(HNMO) - Ngày 7-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục chủ trì hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học...
Đại diện cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng nhiều đại biểu cho rằng, luật cần quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học (hệ thống các trường đại học). Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường. Quy định theo hướng này có ưu điểm là tạo được sự rõ ràng, mạch lạc trong hệ thống giáo dục đại học; tạo hành lang pháp lý kết hợp được tiềm năng, lợi thế của các trường để tạo nên sức mạnh tổng hợp và từng bước hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của đất nước.
Hội nghị thảo luận 2 Dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. |
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.
Giải trình thêm về quan điểm của cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay trên thế giới đang có khuynh hướng phát triển mô hình tổ hợp các trường đại học. Tại Pháp, hơn 100 trường đại học đã được tổ hợp lại thành 25 trường. Mô hình này có ưu điểm là kết hợp được tiềm năng, lợi thế của các trường đại học để tạo nên sức mạnh tổng hợp và từng bước hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của đất nước. Các trường đại học tự nguyện liên kết với nhau thành một trường hay thành một hệ thống các trường đại học đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Về việc không xác định trần học phí với đại học công lập, có ý kiến cho rằng, điều này có thể khiến một bộ phận người học gặp khó khăn trong tiếp cận ngành có sức hút như y, dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng… Trái lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế tự chủ, việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết. Trên cơ sở đó, các trường tự cân nhắc để tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng, thu hút người học. Theo Ban soạn thảo, cơ chế thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật (dự kiến luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết).
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ sáu diễn ra vào cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.