Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh

Tiến Thành| 08/06/2023 17:04

(HNMO) – Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần kéo dài thời gian thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh để các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả.

Chiều 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) thảo luận.

Theo tờ trình của Chính phủ, ngoài các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh quy định thêm 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho thành phố.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhất trí với dự thảo, báo cáo thẩm tra Nghị quyết mới. Theo đại biểu, khi có Nghị quyết mới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động tối đa, biến tiềm năng thành khả năng, tạo đột phá mới để phát triển, làm động lực cho các địa phương trong vùng cũng như cả nước.

“Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ hoặc đủ nhưng chưa đủ chín”, đại biểu nói.

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết. Góp ý thêm về những cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia.

“Thành phố cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân”, đại biểu nói và đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực y tế không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, đại biểu kiến nghị giao HĐND thành phố Hồ Chí Minh quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu.

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm. Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị cần tính toán thời gian thực hiện Nghị quyết là nên kéo dài hay chỉ hạn chế trong thời gian 5 năm. Theo đại biểu, thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đây quy định là 5 năm, nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được.

”Dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết số 54/2017/QH14 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. Vậy câu hỏi đặt ra là, thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho rằng đối với các dự án, chương trình thông thường, không quá phức tạp thì thời gian triển khai ngắn, nhưng đối với các dự án, chương trình phức tạp thì cần thời gian triển khai dài hơn.

“Nếu được, có thể kéo dài thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách cho thành phố đến kỳ quy hoạch 2030. Nếu hiệu lực có 5 năm thì thời gian còn lại không nhiều. Để trùng với kỳ quy hoạch 2030 cũng giúp chúng ta tổng kết các chính sách thí điểm đang được triển khai”, đại biểu nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.