(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 275/BC-UBND ngày 8-10-2021 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Báo cáo nêu rõ, UBND thành phố luôn quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm quyết liệt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong việc tổ chức thực hiện các mặt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thành phố xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn chặt với việc thực hiện chương trình công tác của Thành ủy về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, mục tiêu kinh tế - xã hội khác của thành phố.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, UBND thành phố ban hành 1 chỉ thị, 1 chương trình, 10 kế hoạch, 5 quyết định cùng nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Trong công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, thành phố đã chủ động rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trong đó, Công an thành phố được giao tham mưu UBND thành phố ban hành “Quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố”.
Thời gian tới, thành phố tham mưu hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, trọng tâm là báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chi tiết, cụ thể các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để có căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất Bộ Công an hướng dẫn các biện pháp cưỡng chế cần thiết đối với các công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhưng chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.