Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất giao thẩm quyền quản lý giá dịch vụ hàng không cho Bộ GTVT

H.Vân| 20/05/2014 15:52

(HNMO) – Chính phủ cho rằng, việc quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không như hiện nay chưa thuận tiện cho quản lý nhà nước, đảm bảo hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.


Theo tờ trình Chính phủ, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (Luật HKDDVN năm 2006) được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007. Với việc tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh, Luật đã đánh dấu bước đột phá về công tác quản lý nhà nước cũng như tạo khung pháp lý cho các hoạt động trong ngành Hàng không dân dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật HKDDVN năm 2006 cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Để khắc phục những hạn chế này, trong tổng số 202 Điều của Luật HKDDVN năm 2006, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 46 Điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8% tổng số điều của Luật.

Đáng chú ý, liên quan đến việc quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không, Chính phủ cho rằng, cách quy định như hiện nay chưa bảo đảm tính chủ động và linh hoạt cho công tác quản lý nhà nước, đảm bảo hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Đặc biệt, Luật chưa quy định về sự quản lý của Nhà nước đối với loại hình dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay, mà thực tiễn thời gian vừa qua xã hội đã yêu cầu mạnh mẽ Nhà nước phải can thiệp vào mức giá cụ thể, chống sự lợi dụng địa bàn hạn chế để tăng giá quá mức.


Chính vì vậy, bên cạnh việc giữ nguyên thẩm quyền của Bộ Tài chính đối với việc quy định về các loại phí, lệ phí, Chính phủ đề nghị bổ sung và thay đổi cơ chế quản lý giá đối với các loại dịch vụ: cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; phục vụ hành khách; dịch vụ an ninh hàng không tăng cường và điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng trong nhà ga và giá các dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay. Thẩm quyền quản lý giá dịch vụ hàng không và phi hàng không được giao cho Bộ GTVT.

Đối với các dịch vụ hàng không khác (giá vận chuyển hàng không, giá xe chuyên chở hành khách từ nhà ga ra tàu bay, giá dịch vụ mặt đất…) và giá thuê mặt bằng trong nhà ga (dịch vụ phi hàng không), doanh nghiệp được chủ động quyết định giá trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và phải kê khai giá với Bộ GTVT.

Riêng với giá các dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cũng được quyền chủ động quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai các loại giá này. Bộ GTVT sẽ giám sát thực hiện, trường hợp cần thiết sẽ quy định khung giá trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thẩm tra tờ trình Chính phủ,
Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HKDDVN; nhất trí về quan điểm, phạm vi, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nhiều nội dung của dự án Luật.

Về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, nhiều ý kiến trong UBPL tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy không trái với quy định của Luật giá.

Hiện nay, giá một số dịch vụ hàng không ở nước ta khá cao, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải chi phí nhiều tạo ra giá thành cao. Do đó, Ủy ban nhất trí, cần có biện pháp quản lý, kiểm soát đồng bộ của cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, xử lý kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá các dịch vụ hàng không một cách hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định Bộ GTVT quy định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Ngày mai, 21/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Giai đoạn 2007 - 2013, sản lượng chuyến bay, hành khách, hàng hoá thông qua cảng hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân hàng năm tương ứng khoảng 12,8%, 13,9% và 11,9% (riêng tháng 1/2014, sản lượng thông qua cảng hàng không đạt 32 nghìn lượt cất hạ cánh; 4,17 triệu hành khách; 80 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng khoảng 17,9%, 24,6% và 25,2% so với tháng 1/2013); sản lượng hành khách, hàng hoá đi, đến Việt Nam bằng các chuyến bay quốc tế tăng trưởng bình quân hàng năm tương ứng là 9,7%, 14,3% (riêng tháng 1/2014 đạt gần 1,460 triệu hành khách, 53 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng là 14,0% và 33,3% so tháng 1/2013).

Tính đến lịch bay mùa Đông 2013/2014, có 45 hãng nước ngoài khai thác 71 đường bay từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 40 đường bay nội địa và 52 đường bay quốc tế. Việt Nam đã ký kết Hiệp định hàng không song phương với 66 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giao thẩm quyền quản lý giá dịch vụ hàng không cho Bộ GTVT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.