Giao thông

Đề xuất giao cấp tỉnh làm chủ đầu tư cao tốc qua địa phương

Mai Hữu 27/10/2023 - 17:22

Chính phủ đề xuất giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn làm chủ đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình.

Chiều 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội nghe tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

nguyenchidung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất, đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư.

Về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án.

Đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Chính sách về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, gồm 4 nội dung cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải và một số tỉnh, thành phố.

Các nhóm chính sách được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian đến hết năm 2025; riêng đối với chính sách sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương trình Quốc hội cho áp dụng 1 lần. Các dự án sau khi được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

vuhongthanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Trong đó, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn chủ yếu do cơ chế, chính sách của nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng... Điều này khiến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư các dự án giao thông PPP. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

“Đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại năng lực của các Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương chưa đồng bộ. Có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành theo tiến độ của các dự án thành phần.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm để bảo đảm các dự án được lựa chọn thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giao cấp tỉnh làm chủ đầu tư cao tốc qua địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.