Giao thông

Đề xuất cân nhắc ngưỡng nồng độ cồn xử phạt

Tiến Thành - Đình Hiệp 10/11/2023 - 14:00

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định nghiêm cấm người có nồng độ cồn lái xe.

Sáng 10-11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

hanoi.jpg
Phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Quy định về nồng độ cồn chưa hợp lý

phamkhanhphonglan.jpg
Về quy định nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) đề nghị bổ sung cụm từ “đường bộ” vào sau cụm từ “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông” để bảo đảm thống nhất.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.

Liên quan quy định này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, cho rằng chưa phù hợp. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị quy định rõ “… có nồng độ cồn” hay “…có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”.

Cần thiết kế lại quy định theo hướng có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để không được vượt quá, bởi có trường hợp không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn. Quy định này cần có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói và cho rằng, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành, sẽ phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu thì mới xử phạt. Bởi trên thực tế, các nước cũng áp dụng nội dung này nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

"Cơ sở đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định"

Góp ý về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Hoàng Văn Bình (Đoàn Lai Châu) đề nghị bổ sung nội dung cơ sở đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, kiểm định, chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; bổ sung việc từ chối đăng kiểm phương tiện khi chủ xe chưa thực hiện xong quy định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông theo quy định. Đại biểu cũng đề nghị, không cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong các quy định liên quan đến xử phạt.

tolam.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Quốc hội Đoàn Hưng Yên, thảo luận tại tổ.

Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, việc đăng ký biển số xe theo định danh cá nhân nhằm minh bạch hóa và bảo đảm công tác quản lý. “Tài sản người này lại người kia quản lý khiến kê khai tài sản rất vướng. Trước đây, đăng ký biển số theo xe nên bán xe kèm bán biển. Giờ đăng ký theo định danh cá nhân thì bán xe phải để lại biển số”, Bộ trưởng nói.

nguyenphithuong.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Thảo luận về nội dung sử dụng lòng đường, hè phố trong Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội.

“Vì thế, vấn đề quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải được đưa vào quy định để quản lý nhằm bảo đảm an ninh trật tự, văn minh đô thị, đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu.

trankimyen.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Về quy định bảo vệ trên không và phía dưới của đường bộ, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu thực tế hiện nay, tại một số đô thị lớn, cầu vượt đường bộ được xây dựng nhiều nhưng việc sử dụng không gian gầm cầu vượt như thế nào thì chưa được quy định. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu khai thác không gian dưới gầm cầu vượt.

Về khái niệm “kinh doanh vận tải” trong dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho biết, hiện, dự án Luật đang sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải. “Tôi nhận thấy, việc sử dụng hai tiêu chí này để phân biệt doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải hay không là chưa phù hợp, bởi lẽ hai tiêu chí này không thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, về bản chất, vận tải là việc vận chuyển con người và hàng hóa giữa hai hoặc nhiều địa điểm. Do đó, kinh doanh vận tải phải là việc một cá nhân, tổ chức vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa điểm vì mục đích lợi nhuận, không phải việc tổ chức đó có quyết định giá cước hay điều hành phương tiện, tài xế hay không.

Theo các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn có nhiều nội dung chồng chéo. Vì thế, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát lại các nội dung để tránh chồng chéo giữa hai dự thảo luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cân nhắc ngưỡng nồng độ cồn xử phạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.