(HNM) - Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền móng cho hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền móng cho hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh nhằm từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, nên ngoài sự nỗ lực của thành phố, còn cần sự ủng hộ của người dân đối với xe buýt nhanh BRT.
Bảo đảm khớp nối nhịp nhàng
Ngày 15-12, xe buýt nhanh BRT đã bắt đầu chạy thử nghiệm không tải (không chở khách) trong khu vực Bến xe Kim Mã để khớp nối kỹ thuật. Theo ghi nhận của phóng viên, xe buýt nhanh BRT khớp nối khá nhịp nhàng với nhà chờ thông qua hệ thống kỹ thuật điện tử, bảo đảm giúp hành khách dễ dàng tiếp cận với phương tiện. Sàn xe đồng mức với sàn nhà chờ, trên xe cũng có khoang riêng với thiết bị cố định xe lăn để bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật lên, xuống.
Xe buýt BRT chạy thử nghiệm ngày 15-12. Ảnh: Khánh Huy |
Theo ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp BRT (Tổng công ty Transerco), hiện toàn bộ phương tiện hoạt động trên tuyến buýt BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã được bàn giao cho Transerco. Theo phương án do Sở GT-VT Hà Nội xây dựng, tạm thời tuyến buýt BRT vẫn sử dụng vé giấy, bán tại cửa nhà chờ, với giá 7.000 đồng/vé. Thời gian đầu, tuyến vận hành 24 xe (tổng số 35 xe). Trong đó, hoạt động thực tế là 20 xe/ngày, dự phòng 4 xe/ngày. 70 lái xe do Transerco đào tạo kỹ thuật riêng đã được cấp chứng chỉ vận hành xe buýt BRT và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Đại diện Sở GT-VT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận từ ngày 1-1-2017 sẽ chính thức khai thác phục vụ nhân dân. Trong tháng đầu tiên (tháng 1-2017) sẽ phục vụ hành khách miễn phí.
Lời giải cho bài toán hạn chế phương tiện cá nhân
Trong ngày 15-12, Sở GT-VT Hà Nội đã chính thức có phương án tổ chức giao thông vận hành thử nghiệm xe buýt nhanh BRT. Đáng chú ý, xe BRT sẽ được chạy trên làn đường riêng tại các đoạn Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh. Các đoạn không bố trí làn đường riêng (xe BRT đi chung với các phương tiện khác), gồm: Đoạn Yên Nghĩa - Ngã 3 Ba La; đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ.
Để cho BRT hoạt động thuận lợi, thành phố cấm xe tải từ 500kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng hoạt động trong giờ cao điểm (sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 16h30 đến 19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông, đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc (trừ xe chở học sinh, cán bộ, công nhân viên và xe xử lý sự cố). Cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ xe chở bệnh nhân, xe cấp cứu, người già và người tàn tật). Đặc biệt, trên cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng, cấm mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông trong giờ cao điểm và cấm toàn bộ xe tải và xe chở hàng có trọng tải từ 500kg trở lên.
Tuy chưa vận hành chính thức nhưng đã có những ý kiến trái chiều về việc ưu tiên làn đường dành riêng BRT trong khi hạ tầng nhiều đoạn trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa khá chật hẹp. Bà Nguyễn Thị Phương, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) thắc mắc, tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương thường xuyên ách tắc, xe máy phải di chuyển sang cả làn ô tô mà vẫn không còn chỗ trống. Không cứ giờ cao điểm mà nhiều thời điểm trong ngày vẫn xảy ra ùn tắc. Nay cho BRT chạy riêng sẽ càng khó khăn cho các phương tiện khác lưu thông.
Tuy nhiên, các chuyên gia về giao thông cho rằng, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10-12% nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân vẫn cố hữu trong ý thức của người dân. Thực tế này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là nhiều khu dân cư, tuyến đường, ngõ phố vẫn chưa tiếp cận được với xe buýt, bất tiện cho việc di chuyển; thứ hai là tốc độ, thời gian vận chuyển của vận tải công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh đó, nếu không có những ưu tiên tối đa, không có sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, chắc chắn xe buýt BRT sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. Do đó, thành phố cần có những ưu tiên cho BRT hoạt động và coi đó là một trong những lời giải cho bài toán hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, dù còn không ít khó khăn, song xe buýt BRT sẽ được quan tâm ưu tiên từ không gian lưu thông, hạ tầng dịch vụ cho đến tuyên truyền, quảng bá nhằm mục tiêu đưa BRT vào cuộc sống, gần gũi, thu hút người dân một cách nhanh nhất. “Sự vượt trội cả về năng lực, thời gian vận hành, chi phí lẫn tính tiện lợi của xe buýt BRT sẽ khiến một bộ phận lớn người dân từ bỏ phương tiện cá nhân; áp lực giao thông cũng nhờ đó mà giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng của TP Hà Nội, hơn hết xe buýt BRT cần sự hưởng ứng, đón nhận của nhân dân” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Cảnh sát giao thông sẵn sàng phối hợp để BRT hoạt động hiệu quả Ngày 15-12, Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CSGT - CATP Hà Nội) cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng, đơn vị đã có phương án tổ chức lực lượng, sẵn sàng phục vụ việc vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Phòng CSGT đã giao cho các đội CSGT số 2, 3, 6, 7 huy động tối đa lực lượng chỉ huy giao thông tại các chốt, nút giao thông, tăng cường tuần tra trên tuyến để tổ chức, hướng dẫn giao thông, phòng ngừa nguy cơ ùn tắc. Bên cạnh đó, Phòng CSGT sẽ huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng khác hướng dẫn, chỉ huy giao thông, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông khu vực ngoại vi. Thành Tâm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.