Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để trẻ phát triển toàn diện

Linh Nhi| 04/09/2016 07:51

(HNM) - “Trẻ em như búp trên cành”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” không chỉ là khẩu hiệu, mà được coi như phương châm hoạt động của các tổ chức Đoàn. Các cấp Đoàn, Hội, Đội đã nỗ lực thực hiện những mô hình hay, hiệu quả để giúp trẻ em rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện.


Những mô hình hay

Không phải không có xe đạp hay không có người nhà đưa đón, nhưng mỗi tuần vào thứ tư và thứ bảy, Nguyễn Trung Thành, học sinh lớp 6 Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cùng nhiều bạn khác trong CLB Đi bộ đến trường đều tự mình đi đến lớp học. Nhà cách trường hơn 2km, những hôm mưa, nắng, giá rét, việc đi bộ không dễ chịu, nhưng Thành và các bạn vẫn duy trì đều đặn. Thành chia sẻ, trải nghiệm việc đi bộ đến trường giúp em hiểu hơn hoàn cảnh khó khăn của các bạn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, dân tộc hằng ngày phải trèo đèo, lội suối đi học… Từ đó thấy mình cần chăm chỉ học tập, rèn luyện hơn nữa để hoàn thiện bản thân.

Cô giáo Trần Thị Nhung, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Giáp Bát cho biết, tổ chức CLB Đi bộ đến trường nhằm giáo dục các em rèn luyện ý chí, thể lực, từ đó biết cảm thông, chia sẻ với người khác. Đồng thời qua đó, giáo dục giá trị đạo đức truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn” cho học sinh.

Tương tự, Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), được đánh giá là có phong trào hoạt động Đội mạnh, nổi bật là giáo dục đạo đức, ý thức tiết kiệm cho học sinh. Cô Tổng phụ trách Đội của trường Tạ Thị Thu Trang chia sẻ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính”, thiếu một đức ấy không thể nên người nên Liên đội Trường THCS Hoàng Liệt rất chú trọng vấn đề này. Đơn cử như thông qua phong trào kế hoạch nhỏ, Liên đội giáo dục sâu sắc cho các em đức tính tiết kiệm, yêu lao động như lời Bác dạy “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Các em học sinh được nhắc nhở, ở trường thì gom những tờ giấy nháp cất gọn một chỗ, ở nhà thì thu gom giấy báo, sách vở cũ để làm kế hoạch nhỏ. Việc này tránh được tình trạng phụ huynh mua hoặc chuẩn bị kế hoạch nhỏ thay con, làm mất đi ý nghĩa của phong trào.

Đó là những mô hình thực chất, có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc đối với thiếu niên nhi đồng. Tuy nhiên, những mô hình như thế không nhiều, bởi muốn làm được đòi hỏi phải có cán bộ chuyên trách tâm huyết, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt.

Cần sự quan tâm đồng bộ

Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết, toàn thành phố có 30 Hội đồng Đội cấp quận, huyện, thị xã và gần 1.300 liên đội trường học với 1.298 giáo viên - tổng phụ trách, hơn 920 nghìn thiếu nhi. Những năm qua, Hội đồng Đội thành phố đã luôn chú trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nâng cao hiểu biết, nếp sống văn minh, thanh lịch, xây dựng nét đẹp trong thiếu nhi Thủ đô. Các liên đội tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, nếp sống, tiêu biểu như hội thi Em yêu Hà Nội; Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên; hội thi Công dân tương lai với an toàn giao thông; Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp; nói không với bạo lực học đường… Đặc biệt, các liên đội đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động thiếu nhi Thủ đô thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, rèn luyện phấn đấu đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ - chủ nhân Thăng Long…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác Đội ở một số nơi còn gặp khó khăn; nhiều liên đội, giáo viên kiêm tổng phụ trách thiếu kinh nghiệm; cán bộ phụ trách thiếu nhi các quận, huyện cũng hay biến động, nên thiếu kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội, gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Thêm vào đó, hiện nay thiết chế văn hóa (nhà thiếu nhi) ở cấp quận, huyện còn thiếu, khiến nhiều chương trình hoạt động không có điều kiện thực nghiệm, phát huy năng khiếu; việc tổ chức vui chơi, giải trí cho các em nhỏ hiệu quả thấp, mang tính hình thức. Đặc biệt, bất cập về cơ chế chính sách, sự phân biệt về công việc và mức chênh về thu nhập giữa tổng phụ trách và giáo viên dạy văn hóa đã tác động xấu đến tâm lý, đời sống cán bộ làm công tác thiếu nhi…

Để khắc phục những tồn tại này, Thành đoàn đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đội đủ về số lượng, giỏi kỹ năng, sâu nghiệp vụ theo hướng trẻ hóa, chuyên trách; nâng cao chất lượng hoạt động Đội theo hướng đẩy mạnh thi đua, phân công rõ người, rõ việc; xây dựng kế hoạch chiến lược, các mô hình mới, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa; phát động mạnh mẽ các phong trào sáng kiến kinh nghiệm cho hoạt động Đội.

Ngoài sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, Đội, cần sự quan tâm của các ban, ngành liên quan và huy động xã hội hóa để hoàn thiện thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, đồng thời cần có cơ chế chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đội. Cùng với đó, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong các hoạt động Đội, giúp con em mình hoàn thiện bản thân từ các phong trào thiết thực, bổ ích. Có như thế những “búp trên cành” mới có cơ hội phát triển tốt. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để trẻ phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.