Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tinh hoa làng nghề bay xa

Vân Nga| 10/06/2019 06:50

(HNM) - Làng nghề truyền thống được hình thành từ hàng trăm năm, bao thế hệ nghệ nhân tài hoa đã làm nên các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ người tiêu dùng. Sản phẩm làng nghề mang giá trị kép, vừa là hàng hóa, vừa đậm nét nghệ thuật, bởi tâm hồn người thợ, người nghệ nhân đã được thổi vào từng chi tiết sản phẩm.

Những điều trăn trở...

Giữa cái nắng chói chang ngày hè, dọc theo quốc lộ 6, qua Khu công nghiệp Phú Nghĩa là rẽ vào làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Con đường làng trải bê tông phẳng phiu đủ rộng để hai ô tô tải chở hàng hóa, nguyên liệu ra vào tránh nhau thuận lợi. Ngay dưới tấm biển “Xưởng mây tre đan Phú Vinh” là nhà của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh. Ông đang cùng nhóm thợ sắp xếp sản phẩm và nguyên liệu lên chiếc xe tải để chuyển đến Công viên Thiên đường Bảo Sơn, khởi đầu cho một cách làm mới...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.


Ông Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ: “Tôi trăn trở từ năm 2018 đến nay mới quyết định phối hợp với Công viên Thiên đường Bảo Sơn mở xưởng sản xuất. Hằng ngày, 5 người thợ đến Công viên Thiên đường Bảo Sơn sản xuất như ở làng nghề chứ không phải chỉ đến đó trình diễn. Với mô hình liên kết này chúng tôi hy vọng vừa mở ra một kênh bán hàng hiệu quả cho sản phẩm truyền thống, vừa thu hút khách du lịch đến công viên trải nghiệm văn hóa nghề độc đáo".

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế với nhiều đơn đặt hàng nên tiếng tăm của cơ sở được truyền đi xa, nhiều người biết đến. Đặc biệt, trong bối cảnh internet phát triển, sản phẩm của gia đình ông Tĩnh - Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang - cũng có điều kiện thuận lợi để vươn xa hơn. Tuy nhiên, hiện phần lớn sản lượng của công ty vẫn được xuất khẩu qua một đơn vị thu gom, đặt hàng. Vì vậy, ông Tĩnh rất trăn trở là “làm sao tự tay mình xuất khẩu được hàng trực tiếp đi các nước?”.

"Ở làng nghề Phú Vinh, hơn 10 năm trước từng có thời gian cả làng được đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, ai cũng sẵn sàng tâm thế xây dựng điểm du lịch làng nghề để mong sản phẩm của làng được nhiều người biết đến, bán hàng cũng sẽ tốt hơn. Thời gian trôi đi, dự án du lịch giờ chỉ còn là... kỷ niệm", ông Tĩnh với vẻ mặt buồn rầu nhớ lại.

Mang những băn khoăn của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đến gặp lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa, ông Trần Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện toàn xã có 7 làng nghề truyền thống mây tre đan, mỗi năm doanh thu từ sản phẩm làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng.

"Nhưng điều chúng tôi trăn trở là việc quy hoạch xây dựng điểm du lịch làng nghề của hơn 10 năm trước, đến nay xã cũng chưa có nguồn lực để thực hiện", ông Trần Văn Phụng chia sẻ.

Rời Phú Vinh, tôi đến làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, gặp nghệ nhân ưu tú Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Miết tay trên cây lụa, ông Hà chỉ vào dòng chữ “Lụa Hà Đông”, cho biết: “Trông đơn giản thôi, nhưng không dễ gắn lên sản phẩm của mình đâu...”. Bởi, trước đây, làng nghề chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, khi gắn tên sản phẩm là phải thay cả loạt phôi mẫu. Hiện nay, cả làng Vạn Phúc chỉ còn khoảng 300 máy dệt lụa và 5 doanh nghiệp.

Mặc dù mỗi năm Vạn Phúc thu hút 15.000 lượt khách du lịch nước ngoài, hơn 70.000 lượt người trong nước, song các đơn hàng xuất khẩu trực tiếp rất ít. Chẳng hạn, mới đây Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Phúc Hưng của gia đình ông Hà xuất 1.000m lụa cho một khách người Bỉ. Ông Hà cho rằng, các doanh nghiệp Vạn Phúc chưa đảm đương được đơn hàng lớn, bởi quy mô tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ; sản phẩm chưa đồng đều theo tiêu chuẩn công nghiệp, đặc thù sản phẩm làm thủ công…

Thúc đẩy và kết nối

Nhiều năm nay, diện mạo của những làng nghề đã có sự thay đổi lớn, các sản phẩm thủ công truyền thống đã được người tiêu dùng biết đến. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của mỗi người dân làng nghề, chính quyền địa phương, đặc biệt là hiệu quả của chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cấp, ngành.

Hà Nội hiện là nơi hội tụ, kết tinh nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, với 1.350 làng. Để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển giá trị làng nghề, hằng năm, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề phát triển, nhất là hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các chương trình, kế hoạch như: “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề”, tổ chức các triển lãm, hội chợ quốc tế...

Đặc biệt, hiện nay, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại theo Kế hoạch số 122/KH-UBND (ban hành ngày 30-5-2019) về việc triển khai “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2019”. Theo đó, các làng nghề sẽ được đào tạo, tập huấn… về xây dựng thương hiệu, tổng kinh phí là 2,4 tỷ đồng. Sở Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, để xúc tiến thương mại cho các làng nghề, Sở sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến người tiêu dùng. Sở cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất...

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Ngoài việc tập trung làm tốt công tác xúc tiến thương mại để tinh hoa làng nghề ở Thủ đô có điều kiện tốt hơn nữa vươn xa, Hà Nội cần tháo gỡ những khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn và hiểu biết về thủ tục xuất khẩu; cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân tiêu biểu; kết nối làng nghề và văn hóa nghệ thuật như mở các phiên chợ văn hóa du lịch làng nghề để giúp người nghệ sĩ có việc, làng nghề bán sản phẩm…

Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền; các doanh nghiệp, làng nghề cần chủ động hơn trong hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhất là đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm để tự tin bước ra biển lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tinh hoa làng nghề bay xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.