Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tiếng Anh thực sự là “của mình”

Theo DT| 05/05/2011 14:34

Ai cũng biết “Học phải đi đôi với hành” nhưng tại sao rất nhiều người “học” cũng chăm, “hành” cũng thường xuyên mà vẫn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh trôi chảy?


Với tiếng Anh, học là một chuyện, dùng được lại là một chuyện.

Tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ toàn cầu và “tiếng Anh trình độ C” không biết từ bao giờ đã là một cụm từ quen thuộc trong gần như tất cả các mẩu tin tuyển dụng. Bộ môn này giờ đây cũng là một bộ môn chính được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học. Không những thế, rất nhiều phụ huynh đã cho con mình làm quen với tiếng Anh trước cả khi đến trường học tiếng Việt.

Được học tiếng Anh ngay từ nhỏ nhưng không phải ai cũng sử dụng trôi chảy, áp dụng hiệu quả thứ ngôn ngữ này trong cuộc sống.

Ai cũng biết “Học phải đi đôi với hành” nhưng tại sao rất nhiều người “học” cũng chăm, “hành” cũng thường xuyên mà vẫn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh trôi chảy?

Liên quan đến thực trạng này, ông Paul Bell - cố vấn chuyên môn của Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC chia sẻ:

Hãy tư duy bằng tiếng Anh

Hầu hết người Việt đều có thói quen nghe tiếng Anh sau đó dịch ra tiếng Việt rồi lại suy nghĩ bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh để đối đáp. Quá trình này làm cho tốc độ giao tiếp bị giảm đáng kể, gây “nhiễu” và từ đó làm cho khả năng vận dụng tiếng Anh bị ảnh hưởng.

Thói quen này là một điều rất dễ hiểu vì khi mới học ngoại ngữ, chúng ta cần có thời gian để làm quen và thích nghi với một thứ ngôn ngữ mới. Nó giống như khi chúng ta tập đi xe đạp vậy, trong đầu luôn nghĩ “mắt nhìn thẳng, đạp đều và chú ý giữ thăng bằng”. Vậy bây giờ, khi đi xe đạp, có ai vẫn vừa đi vừa nghĩ “mắt nhìn thẳng, đạp đều và chú ý giữ thăng bằng” nữa hay không?

Như đã nói ở trên, thói quen này chỉ được chấp nhận với những người mới bắt đầu. Khi đã có một vốn tiếng Anh tàm tạm, các bạn cần luyện nghe hiểu tiếng Anh mà không cần dịch ra thành văn tiếng Việt rồi tư duy bằng tiếng Anh để phản hồi.

Việc dịch đi dịch lại là dành cho phiên dịch, và ai cũng biết rằng, để dịch đi dịch lại như vậy mà vẫn đảm bảo trôi chảy thì cần phải học những lớp chuyên sâu về phiên dịch. Hiếm thấy phiên dịch viên nào không học qua lớp chuyên sâu này.

Với tiếng Anh, học là một chuyện, dùng được lại là một chuyện.



Hãy diễn đạt ý của mình bằng các cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh đơn giản

Tiếng Anh và tiếng Việt là 2 ngôn ngữ khác nhau với ngữ pháp khác nhau, cách diễn đạt cũng khác nhau. Rất nhiều học viên khi trao đổi với tôi, tôi không thể hiểu nổi đang nói cái gì vì diễn đạt quá trúc trắc do cố gắng dịch theo kiểu diễn đạt của tiếng Việt.

Hãy nhớ rằng tiếng Anh cũng có rất nhiều cấu trúc đơn giản. Hãy tận dụng những gì bạn đã biết để diễn đạt ý của mình. Diễn đạt “ý” chứ không dịch chuẩn xác từng từ, hãy diễn đạt theo ngữ cảnh chứ đừng dịch từng câu từng chữ.

Nếu gặp từ nào các bạn không biết hoặc không chắc chắn, hãy sử dụng một từ khác có nghĩa tương tự, dù có thể không thật chuẩn xác 100% hoặc khác nhau về mức độ, nhưng suy cho cùng, để người ta hiểu ý của mình còn hơn là ấp úng mãi không nên lời.

Hãy tham gia các lớp học tiếng Anh tại những đơn vị uy tín hoặc tham gia một câu lạc bộ tiếng Anh - tại những nơi này, bạn sẽ được học cách áp dụng những gì tôi đã trình bày ở trên một cách rất tự nhiên. Học từ thầy cô giáo là học kiến thức, học từ bạn học là học cách áp dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tiếng Anh thực sự là “của mình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.