(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai chương trình bình ổn giá thuốc chữa bệnh với hơn 300 nhà thuốc tham gia, với 50% nhu cầu các nhóm thuốc thiết yếu của người dân. Việc đưa thuốc Việt đến tay người bệnh Việt sẽ là mục tiêu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh …
Lỗ hổng trong quản lý
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nước ta hiện có hơn 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường, với 101 nhà máy GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất) cho thấy năng lực sản xuất thuốc của Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhóm thuốc thiết yếu. Từ giữa tháng 4, TP đã đưa thuốc chữa bệnh vào chương trình bình ổn, giá bán tại các nhà thuốc cam kết bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% ít nhất đến tháng 3-2012. Vấn đề quan tâm của ngành là phải bảo đảm đủ thuốc, đạt chất lượng, sau đó mới bàn vấn đề giá cả, tùy loại thuốc mà lợi nhuận nhiều hay ít; nhưng cao nhất cũng không được vượt 20%. Hiện loại thuốc dưới 1.000 đồng/viên thì cho phép số lợi nhuận cao nhất 20%, còn loại trên 1 triệu đồng/liều thì lợi nhuận không quá 5%.
Tăng cường nội địa hóa thị trường dược phẩm góp phần đưa thuốc Việt tới người bệnh.
Trong cơ chế thị trường, lợi nhuận nhiều hay ít quyền quyết định nằm trong tay người mua; song ở mặt hàng thuốc thì ngược lại, quyền quyết định nằm trong tay nhà sản xuất, phân phối. Nghịch lý này lâu nay gây bất bình trong cộng đồng xã hội và chính lãnh đạo ngành y tế cũng cho rằng khâu trung gian quá nhiều và những lỗ hổng trong đấu thầu thuốc. Theo các chuyên gia, thời gian qua ngành y tế đang vận dụng các nguyên tắc đấu thầu của ngành xây dựng là rất bất hợp lý, tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh. Giá trúng thầu thuốc đôi khi là giá cao, vì những DN đưa ra giá thấp lại không đáp ứng những quy định đưa ra. Do vậy, về lâu dài Nhà nước cần tạo điều kiện để DN sản xuất thuốc trong nước phát triển. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất và định hướng quy hoạch, đầu tư mạnh cho công nghiệp dược.
Cần các biện pháp đồng bộ
Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Hồ Chí Minh tháng 4 cho thấy nhóm mặt hàng tân dược tăng 3,2%, trong đó có nhiều mặt hàng là thuốc nhập khẩu. Theo các chuyên gia, cách bình ổn hay nhất là làm sao để người dân dùng thuốc sản xuất trong nước. Để làm được điều đó, nhà nước nên tạo điều kiện để DN sản xuất thuốc trong nước phát triển. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, giải pháp bớt gánh nặng giá cho người dân là ưu tiên sản xuất thuốc trong nước và hướng đến Bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hơn ai hết, bệnh viện luôn nắm được cơ cấu bệnh tật và nhu cầu dùng thuốc của người bệnh. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện nghiêm ngặt việc đấu thầu thuốc, khi đấu thầu xong, đơn vị trúng thầu phải cam kết giữ giá ít nhất một năm, dù có biến động giá hay lỗ cũng phải "cắn răng" chịu. Hiện 100% nhà thuốc bên ngoài bệnh viện bán không đủ thuốc và giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện không cao hơn bên ngoài. Ông đề xuất cách bình ổn giá thuốc là nên tăng cường đưa thuốc nội vào đấu thầu trong bệnh viện. Ông Phạm Trung Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Euvipharm khẳng định, chất lượng thuốc sản xuất trong nước không thua kém thuốc nhập khẩu và trong thời điểm này, ngành dược cần hợp sức với xã hội để chia sẻ khó khăn với người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, để bình ổn thị trường thuốc và bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề ra các giải pháp là thay đổi quy chế đấu thầu thuốc tập trung; giảm thặng số bán lẻ tối đa xuống còn 5%; tạo điều kiện cho thuốc nội vào các bệnh viện. Bộ cũng đang đề nghị điều chỉnh Luật Dược; tăng quỹ dự trữ thuốc quốc gia từ 350 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt... Bà cũng đồng tình việc lợi nhuận không vượt 20% là một trong những giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu thuốc trước ít nhất 6 tháng và khi đã trúng thầu phải giữ giá trong vòng 1 năm. Nếu nhà thầu nào trúng mà bỏ cuộc thì sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 2 năm. Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành một nghị định riêng về đấu thầu thuốc tân dược chứ không áp dụng quy định về đấu thầu trong xây dựng cho lĩnh vực y tế như hiện nay. Việc TP Hồ Chí Minh đưa thuốc nội vào chương trình bình ổn giá năm 2011 là một tín hiệu đáng mừng và rất có ý nghĩa trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; giảm nhập khẩu thuốc ngoại và tăng thuốc sản xuất trong nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.