(HNM) - Tại tuyến trung ương, thuốc nội vẫn chưa khẳng định được
Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược trung ương Mediplantex. |
“Sính” thuốc ngoại...
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số cửa hàng thuốc bán lẻ, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám tư..., thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng trên thị trường cũng như trong suy nghĩ người bệnh. Ngay tại một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (đối diện Bệnh viện Bạch Mai), dù được dược sĩ tư vấn một loại thuốc sản xuất trong nước để trị cảm cúm, nhức đầu nhưng người mua vẫn yêu cầu được mua thuốc ngoại với giá cao gấp ba lần.
Không chỉ người dân, ngay cả "người trong cuộc" là bác sĩ cũng “sính” thuốc ngoại. Cầm sổ khám bệnh của con trai 3 tuổi, chị Nguyễn Thu Thủy (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) cho chúng tôi xem, trong 6 lần khám bệnh có duy nhất một lần bác sĩ kê kháng sinh nội. “Lần nào khám cũng vậy, kể cả phòng khám tư và bệnh viện công, cháu đều phải uống thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm do nước ngoài sản xuất. Chỉ lần khám gần đây nhất, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh nội, với chi phí rẻ bằng 1/3 đơn thuốc ngoại và cũng uống trong 5 ngày, cháu vẫn khỏi bệnh” - chị Thủy chia sẻ.
Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát triển giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” vừa được Bộ Y tế tổ chức, TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) cho rằng, thuốc nội có nhiều loại rất tốt, hiệu quả chữa bệnh cao. Điều quan trọng là giá thành các loại thuốc do doanh nghiệp trong nước sản xuất phù hợp với mức chi trả của người dân, rẻ hơn từ 4 đến 10 lần so với thuốc biệt dược gốc. Thế nhưng các bác sĩ vẫn “băn khoăn” khi kê đơn thuốc nội.
Kết quả triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 1 (từ năm 2012 đến 2016) cũng cho thấy, tỷ lệ thuốc nội được sử dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng. Song, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ở bệnh viện tuyến trung ương lại thấp hơn mục tiêu đề ra và có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ này là 11,57%; đến năm 2014 là 11,31% và năm 2015 giảm còn 10,02%. Cá biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, K, Phụ sản trung ương, Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Lão khoa quốc gia… còn ở mức dưới 5%.
Cần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn để người dân tin dùng thuốc nội. |
Tạo lòng tin qua chất lượng sản phẩm
Lý giải vì sao thuốc nội bị “lép vế” trên sân nhà, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Hậu Giang cho rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở bệnh viện tuyến trung ương còn thấp vì nơi đây chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân nặng phải dùng thuốc đặc trị. Trong khi đó, thuốc nội chưa có nhiều nhóm thuốc đặc trị, chuyên sâu. Mặc dù vậy, muốn tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện, hoàn toàn có thể làm được. “Với triệu chứng sốt thông thường của người bệnh, bệnh viện chỉ cần sử dụng thuốc hạ sốt trong nước sản xuất là đã hiệu quả. Vấn đề đặt ra là, làm sao để bác sĩ có niềm tin vào chất lượng thuốc nội” - bà Phạm Thị Việt Nga đặt vấn đề.
Theo ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, không ít sản phẩm thuốc nội của công ty đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” và được bán khá tốt trên thị trường, nhưng tại các bệnh viện thì còn hạn chế. Nguyên nhân do việc đấu thầu thuốc còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng, đánh đồng về yếu tố kỹ thuật. Để tạo ra một sản phẩm tốt, doanh nghiệp phải chi phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất rất lớn, từ chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu khoa học đến bảo đảm hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, đồng bộ. Đặc biệt, để thuốc nội vào được bệnh viện tuyến cuối, là nơi điều trị bệnh nhân nặng, các doanh nghiệp dược trong nước càng phải hướng đến tiêu chuẩn cao hơn nữa, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 2, mục tiêu của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt ra là: Tỷ lệ sử dụng thuốc nội chiếm 30% tại các bệnh viện tuyến trung ương, 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 75% ở bệnh viện tuyến huyện vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở y tế nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất trong nước thông qua ký cam kết. Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu, sử dụng, lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội... Còn nhiệm vụ của các doanh nghiệp dược là phải tạo được lòng tin với người dân qua việc thông tin chính xác về thuốc sản xuất, công khai giá bán, đặc biệt là bằng chứng về hiệu quả điều trị. Đây là cách tốt nhất để kêu gọi người dân sử dụng thuốc nội mỗi khi phải dùng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện tại, thuốc sản xuất trong nước đã bảo đảm 50% nhu cầu sử dụng (tính theo giá trị tiền thuốc). Việt Nam đã có 163 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thuốc kém chất lượng tiếp tục được tăng cường. Khi phát hiện thuốc kém chất lượng, cơ quan chức năng sẽ kịp thời thông báo đến các đơn vị sản xuất, nhà phân phối, cơ quan truyền thông, người dân... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.