(HNMO) - Chiều 23-2, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất những nội dung, vấn đề có tính đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách, về phân cấp, ủy quyền để Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước.
Đề xuất những vấn đề có tính đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, để chuẩn bị cho hội nghị, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình, đề án, đã trình xin ý kiến chỉ đạo nhiều lần của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và được tiếp thu, hoàn thiện.
Nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định tại hội nghị, trước hết về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, tham gia đóng góp cụ thể vào Báo cáo, Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của 6 nhóm hạn chế, yếu kém; từ đó bàn kỹ, bàn sâu về các quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cần nhận định và đưa ra được những vấn đề có tính đột phá, những nội dung của dự thảo Nghị quyết mới này có tính vượt trội về cơ chế, chính sách, về phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội, để Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước. Đồng thời, Thủ đô Hà Nội phải thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, tự lực, tự cường và khát vọng phát triển.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Báo cáo Tổng kết được Bộ Chính trị thông qua và ban hành Nghị quyết mới về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, để giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô năm 2012, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số định hướng cần nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển; xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, xứng đáng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân cả nước...”.
Liên quan đến Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cụ thể, đối với Báo cáo tổng kết thi hành, các đại biểu cần phân tích, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thi hành và những quy định bất cập trong Luật Thủ đô, từ đó đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện.
Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 16 nhóm chính sách. Nhóm chính sách được đưa ra xin ý kiến tại hội nghị là kết quả của quá trình tổng hợp, đánh giá những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn của thành phố, từ bất cập trong quy định của Luật Thủ đô sau gần 10 năm thực hiện, từ định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới và từ vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội.
“Đề nghị các đồng chí góp ý thẳng vào các chính sách, giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi, tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong 10 năm tới và những năm tiếp theo”, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý.
5 định hướng chính điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Đối với định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch thành phố Hà Nội và định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 46, Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì quy hoạch chung xây dựng cần được rà soát, đánh giá quá trình thực hiện, sự phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh sát thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Triển khai Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, cho ý kiến và thống nhất trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm 5 mục tiêu; 8 quan điểm; 8 định hướng chính và 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là 5 định hướng chính được Ban Cán sự đảng UBND thành phố nhấn mạnh trong báo cáo. Cụ thể là: Nghiên cứu định hướng dự báo dân số; Nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; Nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm; Nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; Nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề đề xuất sửa đổi, bổ sung chủ yếu thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy liên quan đến công tác quy hoạch; chủ trương đối với một số dự án đầu tư; những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố và việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương và địa phương; tham gia ý kiến của Thành ủy về các chương trình, kế hoạch, báo cáo, đề án,… do các ban, bộ, ngành trung ương đề nghị. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp có trách nhiệm vào các nội dung dự kiến sửa đổi như đã nêu và bổ sung thêm những vấn đề mà qua thực tiễn triển khai Quy chế còn nhiều bất cập.
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo.
“Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Đề án, Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.