Thời gian qua, giá vàng trong nước diễn biến bất thường, liên tục lập kỷ lục, có lúc “một mình một chợ”, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao.
Tình trạng này khiến người mua hứng chịu rủi ro, đồng thời gây nguy cơ gia tăng nạn buôn lậu vàng. Theo các chuyên gia, thị trường vàng chỉ hết “hỗn loạn” khi cơ quan quản lý có động thái cụ thể, như xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung ra thị trường.
Biến động bất thường
Nhìn lại thị trường thời gian qua cho thấy, nhiều thời điểm, giá vàng trong nước tăng nhanh và giảm chậm hơn so với giá thế giới, thậm chí có lúc diễn biến “một mình một chợ”.
Chẳng hạn, ngày 7-3-2022, giá vàng thế giới tăng 30 USD/ounce, tương đương khoảng 840.000 đồng/lượng, lên 2.000 USD/ounce, nhưng giá vàng miếng SJC tăng tới hơn 4 triệu đồng/lượng, lên mức 73,5 triệu đồng/lượng. Biên độ giá mua - bán vàng có nơi để tới mức gần 3 triệu đồng/lượng. Đến sáng 8-3-2022, dù giá vàng thế giới đảo chiều giảm gần 10 USD/ounce, nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng tiếp 900.000 đồng/lượng, lên mức 74,5 triệu đồng/lượng. Trong đợt biến động trên, có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến gần 20 triệu đồng/lượng.
Những ngày cuối tháng 12-2023, giá vàng trong nước diễn biến đáng chú ý. Ngày 22-12, giá vàng tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với mức tăng của giá vàng thế giới, lần lượt vượt mốc 76 triệu đồng/lượng, 77 triệu đồng/lượng, rồi thiết lập mức kỷ lục mới là 77,4 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, ngày 25-12, mặc dù thị trường vàng thế giới nghỉ lễ Giáng sinh, song tại thị trường trong nước, vàng SJC thiết lập mức đỉnh 78,4 triệu đồng/lượng, tăng tới 1,6 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại, ngày 26-12, giá vàng vượt mốc 80 triệu đồng, lên mức 80,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại tăng lên mức gần 20 triệu đồng/lượng.
Bước sang năm 2024, ngày 2-1, giá vàng tăng tới 3 triệu đồng/lượng, dù giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ gần 7 USD/ounce. Những ngày đầu tháng 3-2024, giá vàng miếng SJC liên tục tăng mạnh và xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Ngày 2-3, giá vàng tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng, lên mức kỷ lục là 81 triệu đồng/lượng, sau đó đạt mức cao nhất lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng vào ngày 12-3. Những thời điểm giá biến động mạnh, doanh nghiệp đưa biên độ giá mua - bán lên mức cao, tới 3 triệu đồng/lượng. Trong đợt tăng giá này, ngoài ảnh hưởng của giá thế giới, giá vàng trong nước còn chịu tác động của sức cầu tăng. Ghi nhận trên thị trường, người dân mua vàng nhiều, doanh nghiệp có thời điểm không đủ vàng để bán, phải hẹn khách lấy sau.
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, đợt biến động trong tháng này, nhu cầu mua vàng tích trữ là có, song số người “lướt sóng” vàng kiếm lời không ít. Độc quyền vàng miếng SJC, nguồn cung vàng hạn chế được xem là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao. Giá vàng tăng cao, biên độ mua - bán ở mức rộng, chênh lệch lớn với giá thế giới khiến người mua gặp rủi ro; đồng thời có nguy cơ gây một số hệ lụy như gia tăng tình trạng buôn lậu vàng, tác động đến tỷ giá.
Cần nhập khẩu vàng
Trong bối cảnh đó, ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường vàng. Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Sau thông tin trên, giá vàng miếng SJC liên tục hạ nhiệt. Sau khi tăng mạnh lên mức 82 triệu đồng/lượng vào sáng 21-3, giá vàng giảm xuống mức 80,8 triệu đồng/lượng, hôm sau hạ tiếp xuống mức 80 triệu đồng/lượng. Đến ngày 25-3, giá kim loại quý còn mức 79,9 triệu đồng/lượng và ngày 26-3 ở mức 80 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm giảm xuống còn khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, sự điều chỉnh của giá vàng chỉ mang tính tạm thời trước những chỉ đạo của Chính phủ và động thái của Ngân hàng Nhà nước. Việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng để các thương hiệu vàng cạnh tranh là cần thiết, song động thái trên mới chỉ mang tính "khẩu hiệu" giúp làm dịu tâm lý thị trường. Nếu chưa có quy định cụ thể về việc này, giá vàng có thể tăng mạnh trở lại và tiếp tục chênh lệch lớn với giá thế giới, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng thế giới được dự báo vẫn trong xu hướng đi lên. Bên cạnh đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần được sớm sửa theo hướng Ngân hàng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất nhập khẩu vàng mà giao cho những doanh nghiệp kinh doanh vàng có khả năng và uy tín. Ngân hàng Nhà nước cấp quota (hạn ngạch) cho những doanh nghiệp đó nhập khẩu vàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Trước mắt, để sớm ổn định thị trường, cần nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung ra thị trường.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện biên độ giá mua - bán vàng vẫn ở mức cao, 1,65-2 triệu đồng/lượng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn (hơn 14 triệu đồng/lượng) còn phản ánh mức độ chênh lệch cung - cầu trên thị trường. "Giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá thế giới 1-2 triệu đồng/lượng (đã tính các chi phí) và biên độ giá mua - bán chỉ khoảng 300.000 đồng/lượng mới được coi là hợp lý", ông Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Còn chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, các biện pháp ổn định thị trường cần được đưa ra cụ thể và sớm triển khai. Hơn 10 năm nay, không doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng, họ chỉ mua đi bán lại trên thị trường, khiến giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới rất nhiều. Để thị trường không còn “hỗn loạn”, cùng với việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cần sớm cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp có nguồn vàng chế tác sản phẩm, giúp tăng cung thị trường, từ đó thu hẹp cách biệt với giá thế giới.
Trước băn khoăn về việc giải quyết sự chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới liệu có giúp đạt mục tiêu không "vàng hóa" nền kinh tế, không ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, chuyên gia vàng Trần Duy Phương đưa quan điểm, khi Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng, nguồn cung được đưa ra thị trường, giá vàng trong nước sẽ diễn biến theo giá thế giới, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới, vàng không còn sinh lời cao như thời gian qua thì sẽ hạn chế tình trạng “lướt sóng”. Cùng với đó, dòng tiền sẽ không còn đổ nhiều vào vàng mà chuyển sang kênh đầu tư khác, như sản xuất, kinh doanh, giúp quay vòng vốn cho xã hội; đồng thời giúp giảm tình trạng buôn lậu vàng. Việc cho phép nhập khẩu trong hạn mức sẽ không tốn quá nhiều ngoại tệ, không ảnh hưởng đến tỷ giá.
Trong khi đó, có ý kiến đề xuất, để không “vàng hóa” nền kinh tế, nên đánh thuế với vàng. Nhiều quốc gia đã thực hiện đánh thuế mua bán vàng vật chất. Trên thực tế, so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kênh đầu tư vàng đang có lợi thế không bị đánh thuế trong khi bán bất động sản người sở hữu đều phải nộp thuế.
Cũng liên quan đến lo ngại việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho hay, để có nguồn cung cho thị trường, đầu năm nay, hiệp hội đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Lượng vàng xin nhập khẩu không quá nhiều nên sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như dự trữ ngoại hối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.