Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả

Trọng Ngôn| 18/03/2022 07:13

(HNM) - Nhiều dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc do bất cập trong thực hiện một số quy định của pháp luật, thủ tục đầu tư. Do đó, để thị trường bất động sản phát triển hiệu quả, bền vững, thành phố đang tạo điều kiện phát triển quỹ đất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư.

Từ đầu năm 2022 đến nay, anh Trần Tâm Anh (ở phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức) vẫn chưa tìm được dự án nhà ở nào có giá bán dưới 35 triệu đồng/m². “Tôi biết nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở đã tăng cao nên sẵn sàng mua với mức giá trên 30 triệu đồng đến dưới 35 triệu đồng/m² nhưng vẫn không tìm được dự án phù hợp túi tiền. Các dự án được chào bán hầu hết trên 40 triệu đồng/m²”, anh Trần Tâm Anh nói.

Từ năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh rất ít dự án nhà ở được phê duyệt mới. Nguyên nhân chính là do quỹ đất sạch hạn chế, giá đất liên tục tăng cao khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng cũng bất cập, thời gian kéo dài khiến dự án xây dựng mới không nhiều.

Theo Công ty TNHH Liên doanh thành phố Đế Vương (chủ đầu tư dự án Empire City ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức), suốt 3 năm qua (2019-2021), công ty gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư và đất đai để triển khai giai đoạn 2 do chờ các cấp chính quyền thành phố giải quyết các vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư kinh doanh bị tác động mạnh, chi phí vốn gia tăng đáng kể. Công ty đã có văn bản gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị ưu tiên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đất chưa được chứng nhận, cấp phép xây dựng theo hồ sơ liên quan đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nhìn ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình) sẽ được bơm vào thị trường, qua đó kích thích đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết bài toán tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó thị trường bất động sản giữ vai trò ngày càng quan trọng.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), tại thành phố, số lượng dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bị sụt giảm mạnh trong 4 năm gần đây (2018-2021). Năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà bán ra, không còn căn hộ bình dân (0%). Để thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở bình dân đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA đã có văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đề xuất bổ sung quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở và đất khác đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh, thành phố tiếp tục tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, nhất là đất đai, tài chính; tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.