(HNM) - Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử tỏ ra rất hào hứng với môn ngữ văn với đề bài khá mở. Với dạng bài là nghị luận xã hội, các em có thể thoải mái nêu các ý kiến cá nhân, những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, không ít HS lo lắng vì đề mở nhưng đáp án liệu có "mở"? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em HS và thầy cô giáo về vấn đề này nhé.
Em Nguyễn Vân Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Hồng Thái:
- Vài năm gần đây, đề thi môn ngữ văn đa số đều là đề dạng mở. Em rất thích cách ra đề như vậy vì nó sẽ kích thích khả năng sáng tạo của HS. Với những đề thi "truyền thống", chúng em phải nhớ lại các kiến thức đã học rồi chép lại sao cho đủ nhất, chính xác nhất thì sẽ được điểm cao. Còn ở dạng đề mở, HS được tự do bày tỏ quan điểm, hướng khai thác, cách cảm thụ… Đề nghị luận xã hội mở tạo cho chúng em cơ hội bày tỏ nhận thức, suy nghĩ riêng của mình với những vấn đề khác nhau của xã hội, từ đó góp phần hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, đề là dạng mở nhưng em thấy đáp án, barem hướng dẫn chấm thi lại khá chi tiết, tỉ mỉ. Nếu có ý tưởng sáng tạo tốt nhưng không trùng với đáp án, em sợ khó được điểm cao.
Em Nguyễn Minh Ánh, học sinh lớp 12, Trường THPT Quang Trung:
- Em rất ngại dạng đề mở vì với những đề thi dạng cũ, nếu "trúng tủ" thì sẽ được điểm cao. Còn dạng đề mới đòi hỏi chúng em phải có một kiến thức bao quát từ nội dung tích lũy trong quá trình học đến kiến thức xã hội, khả năng cảm thụ văn học. Nhiều chỗ em ôn thi, thầy, cô giáo vẫn dạy theo kiểu "học vẹt" ngay cả với đề thi mở. Tức là thầy, cô giáo sẽ cho học sinh "học tủ" khoảng mấy chục dạng đề mở. Nếu đi thi có đề trùng với đề "tủ" thì bọn em chỉ việc "nhớ lại" và chép đầy đủ nhất là sẽ không lo "phóng bút" sai với đáp án.
Cô Hoàng Thị Thanh Mai, giáo viên dạy văn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều:
- Mấy năm gần đây, dạng đề mở đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tiết kiểm tra môn ngữ văn ở bậc THCS và THPT. Đặc biệt, đề thi mở đã góp mặt trong những kỳ thi quan trọng như: Thi tuyển vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Đây là một hướng đổi mới được nhiều thầy, cô giáo và các em HS ủng hộ. Đề mở không rập khuôn, cứng nhắc và cũng mở ra một không gian rộng lớn để phát huy tính tự do sáng tạo của học sinh. Còn dạng đề "truyền thống" thường gợi dẫn về thao tác lập luận như: "hãy chứng minh", "hãy phân tích", "hãy bình luận"… nên dễ dẫn đến việc học theo văn mẫu, học tủ, luyện thi theo kiểu "đọc - chép".
Tuy nhiên, ba-rem điểm lại quá tỉ mỉ, có điểm cho từng ý một, không hợp với dạng đề mở. Do đó, để phát huy được tính sáng tạo của các em, đáp án cần được soạn theo hướng mở. Đáp án không nên ràng buộc người viết vào một số ý có sẵn mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết, yêu cầu học sinh xác định đúng trọng tâm, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.