(HNM) - Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2-6, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho những vấn đề trọng đại của quốc gia. Cùng với đó, một số đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương...
Có thể thấy, những vấn đề do đại biểu Quốc hội kiến nghị là không mới tại các kỳ họp. Song trong thời điểm này, khi nền kinh tế đất nước cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu lục và thế giới vẫn đang hứng chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng tài chính cùng tình trạng suy thoái kinh tế, và đặc biệt là sức nóng của sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khiến những vấn đề nêu trên càng trở nên cấp thiết. Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta khao khát sự phát triển mạnh mẽ về thế và lực để trở thành một quốc gia hùng cường. Và những vấn đề quan trọng trong thời gian tới là tăng cường, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh nhằm đáp ứng với tình hình mới; tập trung nguồn lực hỗ trợ lực lượng chức năng và ngư dân để bảo vệ chủ quyền, đồng thời khai thác hiệu quả tài nguyên biển đảo của đất nước; phát huy nội lực để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Tất cả những vấn đề đó đặt ra trong bối cảnh nguồn lực tài chính của chúng ta còn chưa dư dả hay nói cách khác là khá khiêm tốn. Các cụ xưa đã dạy "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", nghĩa là biết lo toan, tính toán thì dù hoàn cảnh eo hẹp vẫn có cách thức giải quyết; ngược lại nếu chi tiêu hoang phí, không cân nhắc cẩn trọng thì dù giàu có vẫn có thể rơi vào cảnh túng quẫn. Vì vậy, thực trạng của đất nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải "thắt lưng buộc bụng" để tập trung nguồn lực cho những việc cấp thiết, cho những chuyện đại sự. Trên tinh thần đó, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu thẳng thắn đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm tối đa các đoàn ra nước ngoài, nghiêm cấm mua xe công, không làm phình to bộ máy và biên chế, tạm ngừng xây dựng trụ sở mới... Có đại biểu cho biết, dư luận và cử tri phản ánh nhiều chuyến đi lại, tham quan, học tập của cán bộ ra nước ngoài hiện nay là hình thức mời mọc, "trả nợ miệng với nhau" bằng tiền thuế người dân đóng góp...
Ấy là tiếng nói từ những người đại biểu của nhân dân. Ấy cũng là những đòi hỏi cấp thiết nhằm phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển của quốc gia.
Còn nhớ, đầu năm 2012, hưởng ứng nghị quyết của Chính phủ, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã rầm rộ công bố cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm... Tổng số tiền dự kiến tiết kiệm cộng lại lên tới khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã phải có công văn hỏa tốc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty không được tổ chức các buổi lễ công bố việc... tiết kiệm một cách lãng phí, tốn kém. Cũng không hiểu có phải vì thế mà cuối năm ấy dư luận chờ mãi nhưng chả thấy có đơn vị nào tổ chức sơ kết, tổng kết..."báo công" cụ thể số tiền tiết kiệm được trong thực tế là như thế nào? Nếu tính ra, mỗi năm ngân sách quốc gia có thêm một khoản tiền lớn như thế từ việc "thắt lưng buộc bụng" và đây trở thành phong trào của toàn xã hội thì tốt biết bao và đất nước có thêm nguồn lực để tập trung giải quyết được nhiều chuyện hệ trọng.
Nói vậy để thấy, yêu cầu tha thiết của các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện "thắt lưng buộc bụng" phải bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng lời nói; phải làm mạnh mẽ, quyết liệt từ Trung ương tới cơ sở, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ... là có những nguyên do riêng. Và như thế mới là cách làm mới đối với một chuyện không mới để có thể mang lại hiệu quả thực sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.