(HNM) - Trung bình mỗi năm, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội (QH) tiến hành khoảng 7 cuộc điều tra xã hội học, chủ yếu tập trung vào đánh giá hoạt động của QH và phục vụ cho việc ban hành, sửa đổi một số luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
Thế nhưng, rất ít đại biểu QH sử dụng triệt để các thông số này mà phải dùng các nguồn dữ liệu khác nhau mới làm "phát lộ" được bản chất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc.
Theo Ủy ban Thường vụ QH, điều tra xã hội học là một trong các phương pháp nhằm đổi mới mối liên hệ với cử tri. Những năm qua, Ủy ban Thường vụ QH đã thường xuyên sử dụng phương pháp này thông qua việc tham vấn ý kiến hàng nghìn người dân, công chức, đại biểu QH nhiều tỉnh, thành phố. Thế nhưng, 70,3% đại biểu QH được hỏi khẳng định, khi nghiên cứu để góp ý các dự án luật, nghị quyết, các quyết định của QH, ngoài kênh kể trên, họ còn phải thường xuyên tìm kiếm các thông tin khác để làm sáng tỏ bản chất của không ít vấn đề thời sự. Vậy, làm thế nào để hoạt động điều tra xã hội học của QH đi vào chiều sâu, phản ánh được đời sống, nguyện vọng của cử tri, để đại biểu QH tin tưởng, kiến nghị QH có những quyết sách hợp lý? Đây là vấn đề không đơn giản bởi trong quá trình thực hiện tham vấn có không ít khó khăn.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sỹ Dũng, những tồn tại, hạn chế xuất phát từ cả phía người sử dụng kết quả điều tra dư luận xã hội và cả từ phía đơn vị tổ chức thực hiện là Trung tâm Thông tin thư viện và nghiên cứu khoa học. Hoạt động tham vấn mới dừng ở các điều tra đơn lẻ, nhân lực có chuyên môn và đối tượng tham gia đều rất hạn chế do kinh phí hạn hẹp. Thế nhưng công bằng mà nói, đã không ít những vấn đề "nóng", những tồn đọng cũ, phát sinh mới về lĩnh vực tiêu dùng, môi trường… tưởng như nan giải nhưng do câu hỏi điều tra xã hội học của QH đã chạm tận gốc những điều dân trăn trở nên đã được Ban soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan liên quan chỉnh lý lại.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Ngọc Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đang có nhiều điểm hạn chế khi QH tiến hành điều tra xã hội học về các vấn đề dân sinh bức xúc. Điển hình, luật, pháp lệnh do QH ban hành thường là luật khung. Các cơ quan chức năng thường tham vấn ý kiến nhân dân ngay từ khâu xây dựng này, song cuộc sống lại cần những quy định chi tiết, cụ thể. Do đó, đã có thời điểm, những góp ý rất hợp lý, khách quan được nêu ra đã sớm đã bị vô hiệu hóa trong các Thông tư hướng dẫn. Luật Đất đai lần đầu tiên được ban hành là vào năm 1983, đến nay đã sửa đổi nhiều lần, và lần sửa đổi năm 2003 được tuyên truyền là công phu nhất, song vẫn phải có tới 5 nghị định hướng dẫn. Trong khi những vấn đề nổi cộm hầu như vẫn chưa được giải quyết. Thế nên, đơn thư khiếu nại vẫn nhiều và 70-80% trong số đó vẫn là về đất đai, nhà cửa...
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Đỗ Thanh Hà, QH không thể làm tốt chức năng giám sát, kịp thời ban hành được các luật có chất lượng, trúng với yêu cầu đòi hỏi của xã hội, ý chí nguyện vọng của cử tri nếu không có thông tin chính xác, diện rộng, kịp thời về tâm tư, ý chí, nguyện vọng của họ. Do đó, rất cần thành lập cơ quan điều tra dư luận xã hội bao gồm những nhà khoa học thực sự có năng lực, giỏi về chuyên môn hoặc phối hợp với các tổ chức điều tra dư luận xã hội có uy tín khác để thực hiện.
Đã đến lúc, vấn đề tham vấn ý kiến nhân dân cần được luật hóa để thực hiện bài bản thông qua Luật Dư luận xã hội hoặc Luật về trưng cầu dân ý. Trong đó, QH cần đầu tư kinh phí; xây dựng quy chế triển khai, trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa cơ quan dân cử từ TƯ đến địa phương; hoạt động phối hợp giữa cơ quan dân cử với các đoàn thể chính trị - xã hội trong tất cả các bước của quá trình tham vấn. Có như vậy, điều tra xã hội học mới đi vào chiều sâu, không rơi vào cảnh khát nhân lực và thu được những kiến nghị thấu đáo hơn; độ thuyết phục và tin cậy vì thế mạnh mẽ và chắc chắn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.