Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhân dân thực hiện quyền làm chủ

Hà Phong - Lý Thị Mai| 31/03/2022 07:09

(HNM) - Để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động, trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự án luật này quy định rất cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị và nhân dân trên địa bàn năm 2021. Ảnh: Vân Nhi

Dự thảo luật gồm 6 chương, 49 điều với những điểm mới như: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đáng lưu ý, về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, Ban Soạn thảo mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành... 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, luật này ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện Pháp lệnh 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…; tạo ra quy định thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả việc phát huy dân chủ trong nhân dân.

Góp ý cho dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc giám sát của Mặt trận, đoàn thể, giám sát của nhân dân rất quan trọng, cho nên luật cần có tính bao quát. Việc xây dựng các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhằm giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, phát huy quyền làm chủ của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng. “Do đó, ngoài các quy định đã có của pháp luật về lao động, dự án luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Bùi Thị Ngân cho rằng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính, thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức... trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang.

Từ thực tiễn tham gia các hoạt động ở cơ sở, bà Đoàn Thị Gái ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đánh giá việc nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng là một biện pháp góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở và ở cơ sở. Từ đó, bà kiến nghị cần quy định rõ cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về những nội dung đã đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, sau phần giải trình của cơ quan thẩm quyền, cần xem xét lại tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các ý kiến giải trình đó, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương.

Liên quan đến vấn đề trên, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, bên cạnh chú trọng đối thoại, điểm mới của luật lần này là Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra sửa đổi) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần quy định kỹ hơn vai trò của thanh tra nhân dân và hoạt động của thanh tra nhân dân vì đây là hình thức, thiết chế cụ thể để thực hành dân chủ ở cơ sở. “Trước đây vấn đề này đã được quy định tại Luật Thanh tra. Đây được coi là cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; do đó cần quy định kỹ hơn tại luật này để bảo đảm tính pháp lý trong phạm vi thực hành dân chủ”, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhân dân thực hiện quyền làm chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.