(HNNN) - Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, chúng ta không chỉ cần tập trung hoàn thiện hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học mà phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, lấy người học làm trung tâm. Hà Nội Ngày nay đã ghi nhận những ý kiến từ nhiều góc độ nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” mà ngành Giáo dục Thủ đô đã thực hiện thời gian qua.
Bà Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội:
Tiến tới xây dựng các mô hình trường học hạnh phúc
Cuộc vận động “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” đã làm cho diện mạo ngành Giáo dục Hà Nội có những thay đổi tích cực. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây mới, với đạt 55% trường đạt chuẩn quốc gia, thiết bị giảng dạy, trường lớp được hiện đại hóa, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi nhằm đổi mới giáo dục, các nhà trường bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Qua đây, ngành Giáo dục đã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, quản lý với mức chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019... Điểm nổi bật nữa là mặt bằng đội ngũ giáo viên hiện khá đồng đều, được phản ánh qua thực tế các huyện như Ba Vì, Sơn Tây gần đây đã có học sinh giỏi quốc tế, quốc gia. Mỗi nhà giáo đã tự hoàn thiện mình, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, yêu nghề, mến trẻ, có tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết, tận tụy với nghề. Công tác giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch được đưa vào học tập từ lớp Mẫu giáo lớn tới lớp 12 nhằm phát huy nét đẹp rất đáng tự hào của người Hà Nội, người Tràng An.
Thời gian tới ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Ngành cũng tập trung cải thiện môi trường, điều kiện làm việc nhằm tạo động lực để thầy cô, học sinh giảng dạy, học tập. Mô hình Trường học hạnh phúc đang được phát động trong ngành để các thầy cô nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo gắn với 3 tiêu chí “yêu thương, tôn trọng và chia sẻ”, để giáo viên và học sinh luôn hạnh phúc mỗi ngày tới trường.
Nhà giáo Phan Dân, Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình:
Cần nhân rộng những điển hình để các trường trong toàn thành phố học tập
Để xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, thời gian qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi đã chú trọng giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói của học sinh, bao quát từng học sinh để kịp thời ngăn chặn hiện tượng nói tục, chửi bậy và bạo lực học đường. Chúng tôi đề ra mục tiêu 100% học sinh nhà trường được các thầy cô, cán bộ, nhân viên biết mặt, biết tên để quan tâm, giúp đỡ các em. Các hoạt động phát triển khả năng của mỗi học trò được nhà trường quan tâm đồng thời khuyến khích học sinh chơi đàn, đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao trong giờ ra chơi và ngay cả giờ chờ bố mẹ đón.
Nhà trường tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới để không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo trong trường; phát động phong trào xây dựng tiết học hạnh phúc, trong đó lấy người học làm trung tâm, tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với học sinh; tạo nên khung cảnh sư phạm xanh, sạch, đẹp và thân thiện, bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ như khách sạn, giáo dục học sinh giữ gìn vệ sinh chung.
Để tiếp tục làm tốt cuộc vận động này, theo tôi cần tổ chức các hội nghị phổ biến và nhân rộng những điển hình đã thực hiện tốt để các trường trong toàn thành phố học tập. Bên cạnh đó cần phát động phong trào xây dựng Tiết học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc và Trường học hạnh phúc; tiếp tục tôn vinh các nhà giáo tâm huyết và sáng tạo, nhà trường đạt chuẩn văn hóa; tổ chức hội thi học sinh thanh lịch, hội thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề về nếp sống văn minh thanh lịch, hội thi về ứng xử các tình huống sư phạm trong thời đại 4.0 dành cho giáo viên.
Tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm:
Nêu cao vai trò hiệu trưởng trong xây dựng văn hóa nhà trường
Một trường học văn hóa là nơi những niềm tin vào các giá trị được đề cao, được xem trọng, được thể hiện qua cách tư duy và hành động của các thành viên trong nhà trường đó, nơi mà những định chế, những cung cách điều hành được thể hiện một cách chặt chẽ, nhất quán, có sự tuân thủ của các thành viên để thực hiện mục tiêu đào tạo và để tạo ra những giá trị của mỗi nhà trường.
Để tạo dựng văn hóa trong các nhà trường có nhiều yếu tố, song theo tôi có vai trò quan trọng của cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu mỗi cơ sở. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hiệu trưởng phải là người đi đầu thực hiện văn hóa nhà trường bằng chính văn hóa quản lý. Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ như một vị huấn luyện viên tài năng của những đội bóng danh tiếng. Để mỗi cơ sở giáo dục đào tạo có “thương hiệu” riêng, người hiệu trưởng còn phải biết xây dựng văn hóa tổ chức của mỗi nhà trường. Người đứng đầu cần lấy sự phát triển nhân cách của học sinh và giáo viên làm thước đo sự phát triển bền vững của nhà trường, tập trung năng lực quản lý cho việc “Dạy tốt - Học tốt”, tạo ra một môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo, có văn hóa của tất cả các bộ phận trong nhà trường.
Xây dựng nhà trường văn hóa nói cho cùng chính là tạo môi trường tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững. Đó là cơ sở để mỗi nhà trường tạo ra sản phẩm nhân cách của người học, người dạy, cũng là mục tiêu cao cả của mỗi nhà trường hiện nay.
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh học sinh Nguyễn Tùng Sơn, lớp 8A3 Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình:
Mong con được học tập trong những ngôi trường hạnh phúc
Tôi cũng như mọi bậc phụ huynh khác đều có mong muốn con mình được học tập trong một ngôi trường nền nếp, thân thiện, được vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm tới những ngôi trường có lớp học, sân chơi, phòng thể chất sạch đẹp, an toàn, văn minh, có đội ngũ thầy cô chuẩn mực. Đặc biệt, ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên phải giỏi về chuyên môn, có tư cách đạo đức, thật sự tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” và trên hết là yêu thương học trò. Các thầy cô và nhà trường có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của các con tôi vì phần lớn thời gian mỗi ngày của con là ở trường. Thầy cô như những người đồng hành cùng các con, giáo dục các con khôn lớn, trưởng thành.
Ngành Giáo dục đang đổi mới nhiều mặt và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng sự phát triển đi lên của xã hội. Mong sao mọi ngôi trường đều là không gian, là môi trường tốt nhất để mỗi đứa trẻ được trải nghiệm, được “ươm mầm”, được phát triển năng lực cá nhân và trở thành người có ích cho bản thân và xã hội, như mong muốn của chính các cháu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.