Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng

Nhóm phóng viên| 17/06/2023 06:14

(HNM) - Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quyết tâm cao trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về chỗ ở. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng vẫn diễn ra khiến những người trong diện chính sách này khó tiếp cận. Để bảo đảm thực hiện đúng chính sách về nhà ở xã hội, những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng: 
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, nhà ở xã hội (công nhân, người lao động nghèo). Người thu nhập thấp được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về thu nhập, nhà ở, hoàn cảnh gia đình... Mặc dù quy định rất rõ ràng, song thời gian qua, lợi dụng sự khan hiếm và chính sách ưu đãi về giá của các dự án nhà ở xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tìm mọi cách “qua mặt” cơ quan quản lý để mua đi bán lại nhà ở xã hội nhằm trục lợi. Để giải quyết thực trạng này, công tác thanh tra, kiểm tra phải được đẩy mạnh để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, thu hồi nhà ở xã hội bán sai đối tượng và trả lại tiền người mua theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cần tiếp tục bổ sung thêm chính sách ưu đãi về nhà ở cho đối tượng người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để họ yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Vương Đăng Tân: 
Nâng cao năng lực thẩm định hồ sơ mua nhà ở xã hội

Hiện nay, các chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã xác định rõ đối tượng được thụ hưởng, các điều kiện, tiêu chí được mua, thuê mua nhà ở xã hội bảo đảm công khai, minh bạch; qua đó giúp người thu nhập thấp được hưởng đúng các ưu đãi và tránh tình trạng trục lợi chính sách. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng bị cơ quan chức năng phát hiện. Để khắc phục triệt để tình trạng này, hiện trình tự tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội đã bảo đảm chặt chẽ hơn. Trong đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng cập nhật danh sách người mua nhà ở xã hội lên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan. Chính quyền xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm, đề cao vai trò rà soát trong quá trình thẩm định, chứng nhận hồ sơ mua nhà cho những công dân đang sinh sống trên địa bàn để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng theo quy định.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, quận Cầu Giấy: 
Cần xem xét trách nhiệm các bên liên quan

Mới đây, đọc một bài báo về thực trạng mua bán nhà ở xã hội, tôi không khỏi giật mình. Thực tế, khi tham gia dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng rất nhiều ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi… Đặc biệt, được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng… Tuy nhiên, khi mở bán dự án, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với Nhà nước và người dân, dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội được mua, bán không đúng đối tượng. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, việc xử phạt mới chỉ dừng ở việc buộc thu hồi và hoàn trả tiền cho bên mua, bên thuê nhà ở xã hội nên không đủ sức răn đe. Theo tôi, sau khi rà soát, kiểm tra lại các dự án nhà ở xã hội, ngoài việc xử phạt hành chính với chủ đầu tư và thu hồi nhà của người mua, cần xem xét, xử lý trách nhiệm các bên liên quan như cơ quan xác nhận sai đối tượng, đơn vị môi giới… Đồng thời đưa chủ đầu tư dự án có vi phạm vào “danh sách đen”, không giao thêm dự án, thậm chí xem xét bổ sung quy định thu hồi dự án đã phê duyệt để họ phải tự nâng cao trách nhiệm, ý thức, chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

Bà Vũ Thị Nguyệt, Công ty TNHH May Đức Giang, quận Long Biên: 
Xử lý nghiêm trường hợp mua, bán nhà ở xã hội sai đối tượng

Với những lao động trẻ như chúng tôi, được sở hữu một ngôi nhà của mình luôn là mơ ước lớn. Vì thế, chúng tôi luôn mong mỏi có cơ hội tiếp cận những dự án nhà ở xã hội, được hỗ trợ vốn vay để mua nhà theo đúng quy định. Theo tìm hiểu của tôi, những dự án nhà ở xã hội có vị trí tốt đều bị quá tải về hồ sơ ngay từ khi chưa chính thức mở bán. Đáng nói, có dự án còn chưa bàn giao nhà nhưng đã được rao bán công khai với mức chênh hàng trăm triệu đồng một căn hộ. Phải chăng, việc mua, bán công khai nhà ở xã hội không có cơ quan nào kiểm soát? Nếu thực sự khó khăn về nhà ở thì tại sao sau khi được sở hữu nhà, nhiều chủ hộ lại rao bán để lấy tiền chênh? Và những người sẵn sàng bỏ ra khoản tiền chênh vài trăm triệu đồng để mua nhà liệu có thuộc những đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo đúng quy định? Đó là những câu hỏi mà cơ quan quản lý cần phải làm rõ. Hơn nữa, trong khi nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân đang rất cao thì vẫn có những dự án nhà ở xã hội sau khi xây dựng lại bị “đắp chiếu”, chưa được bàn giao, rất lãng phí. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm rà soát các dự án nhà ở xã hội để làm rõ việc có hay không chủ đầu tư dự án “bắt tay” với công ty môi giới để bán chênh giá kiếm lời; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, mua bán nhà ở xã hội sai đối tượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.