(HNM) - Một bộ phận người dân Hà Nội đã quen mua bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng vẫn đến với chợ truyền thống, nơi hàng hóa phong phú, mua bán tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu bình dị của đời sống hằng ngày.
Trước đây đến chợ, người ta có thể cảm nhận được sự gắn kết thân tình giữa kẻ bán người mua, người bán biết người mua cần gì, người mua biết người bán có gì... Giờ đây, tồn tại một thực tế là có khá nhiều người tiêu dùng "ngại" vào chợ bởi nơi đây hàng hóa rất "tù mù" về giá cả, chất lượng. Việc người bán "chặt", "chém", ép mua với giá cao; thậm chí gây gổ với khách hàng khi họ chỉ hỏi giá hoặc xem mà không mua hàng diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, có không ít người tuyên bố "cạch mặt" chợ nọ, chợ kia...
Quy định niêm yết giá và bán hàng có niêm yết giá được ban hành từ năm 2007 và được xác định là một tiêu chí quan trọng của văn minh thương mại đối với chợ Hà Nội. Sau vài năm đầu triển khai và nghiêm túc thực hiện, giờ đây ở hầu hết các chợ cố định trên địa bàn thành phố đều "phớt lờ" quy định này. Người vào chợ thưa vắng thì kinh doanh không phát triển, chợ mất đi vẻ sầm uất vốn có. Ở chợ, ngoài hàng tươi sống như rau, củ, quả..., hàng ăn uống, giải khát..., những mặt hàng như vải, quần áo, giày dép, đồ gia dụng… đang chiếm phần lớn và không quá khó để thực hiện niêm yết giá. Để việc bán hàng không niêm yết giá diễn ra là do Ban quản lý chợ và các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên; không kiên quyết xử lý khi xảy ra vi phạm, khiến người kinh doanh coi thường, không thực hiện hoặc "nhờn" luật...
Để các chợ thu hút được nhiều người tiêu dùng, thiết nghĩ ngành chức năng (các đơn vị thuộc Sở Công thương), UBND các quận, huyện cần tái khởi động và duy trì thường xuyên phong trào "xây dựng chợ văn minh thương mại" với các tiêu chí niêm yết giá và bán hàng có niêm yết giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.