Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để người lao động “mặn mà” với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hà Phong| 08/05/2022 07:20

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới số ra ngày 1-5-2022 đăng bài “Rút bảo hiểm xã hội một lần, lợi trước mắt, thiệt lâu dài” đã nhận được phản hồi tích cực của người lao động. Không ít ý kiến đề xuất cho rằng, để người lao động “mặn mà” tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần sửa đổi chính sách, bảo đảm hợp lý.

Nhân viên Bưu điện Hà Nội tuyên truyền lợi ích, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trước đây, ông Đoàn Chí Kiên làm ở Công ty Thuốc lá Thăng Long sau nhiều đắn đo, vừa qua quyết định sẽ làm hồ sơ xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần. “Trước đây tôi cũng có suy nghĩ cố gắng đóng đủ 25 năm để được hưởng 75% lương hưu. Tuy nhiên, hiện nay, luật đã sửa đổi, tăng thêm độ tuổi và thời gian đóng nên tôi cũng phải tính toán lại. Đi làm từ năm 25 tuổi đến nay đã 40 tuổi, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng phải đóng đến năm 60 tuổi mới đủ thời gian nhận lương hưu”, ông Đoàn Chí Kiên chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Hoài đang làm giúp việc tại một gia đình ở Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho hay: “Dù rất tiếc nhưng tôi chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì chính sách hiện hành chưa tạo điều kiện cho người lao động tự do được nhận lương hưu mà không phải đóng bảo hiểm xã hội thời gian quá dài. Trong khi gia đình khó khăn, cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống nên không thể chờ đợi được”. Theo bà Hoài, để tránh người lao động đợi lương hưu quá lâu mà chọn về “một cục”, cần giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hình ảnh người lao động xếp hàng để chờ rút bảo hiểm xã hội một lần rất đáng để suy nghĩ, trăn trở. Lý do bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn 2 năm qua đã gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022, sẽ hỗ trợ phần nào cho người lao động.

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến dần xuống còn 10 năm, thay vì ít nhất phải đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên; khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. Thay đổi này không những giúp chính sách bảo hiểm hấp dẫn hơn mà còn tạo điều kiện cho những người lao động tự do trung niên vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhận lương hưu khi đủ tuổi, đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì chắc chắn lương hưu nhận được cũng sẽ thấp. Do đó, cần thiết kế lại cách tính hưởng lương hưu bởi hưu trí đang nặng về đóng - hưởng mà thiếu sẻ chia giữa các nhóm lao động. Mặt khác, Nhà nước cũng phải tính toán đến việc giảm tuổi về hưu tương ứng cho hợp lý. Bởi, có một nghịch lý hiện nay là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, nhưng từ năm 2021, Nhà nước quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu qua các năm cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Thực tế, đề xuất này chỉ có lợi cho những người gần tuổi về hưu có số năm trên 15 năm đến dưới 20 năm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thông tin, mức đóng 22% vào Quỹ Bảo hiểm xã hội hằng tháng gồm người lao động đóng 8% và doanh nghiệp 14%. Ông Lợi cho rằng, nên sửa đổi theo hướng mở cho lao động có nhu cầu nhận 8%; phần 14% “chốt sổ” coi như khoản tiết kiệm làm “giá đỡ” cho người lao động vượt qua khó khăn. Khi người lao động vượt qua cơn bĩ cực, tìm được việc làm, quay lại đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp hoặc khi đủ tuổi nghỉ hưu thì được thanh toán. Phần 14% giữ lại phải công khai với người lao động, ví dụ bằng cách thông báo hằng năm. Song song đó, Chính phủ cũng cần có thêm các gói an sinh, gói tín dụng lãi suất thấp, thậm chí mức 0% để hỗ trợ lao động vượt qua giai đoạn khó khăn sau nghỉ việc thì họ mới không tính tới rút bảo hiểm xã hội một lần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để người lao động “mặn mà” với bảo hiểm xã hội tự nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.