Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để người khuyết tật chủ động vươn lên

Hà Hiền| 03/12/2020 06:10

(HNM) - Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3-12, nhìn lại các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật để thấy, việc chăm lo cho người khuyết tật ở nước ta trong những năm gần đây đã chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, ý chí vượt khó của họ. Tuy nhiên, để người khuyết tật chủ động vươn lên, thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cho họ cần được quan tâm hơn nữa.

Ông Nguyễn Kim Khôi, chủ Cơ sở dạy nghề - việc làm 3-12 (quận Bắc Từ Liêm) hướng dẫn người khuyết tật thực hành nghề may.

Tự tin hòa nhập

Ông Bạch Quang Khải, trú tại tổ dân phố 9, phường Mộ Lao (quận Hà Đông), Giám đốc Hợp tác xã Ánh sáng, thuộc Hội Người mù quận Hà Đông cho biết, bản thân là người khuyết tật, nên ông thấu hiểu những khó khăn mà người cùng cảnh ngộ gặp phải. Trong đó, vấn đề lớn nhất là người khuyết tật rất khó tiếp cận với cơ hội việc làm phù hợp để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Điều này thôi thúc ông Khải phấn đấu trở thành điểm tựa của người khiếm thị bằng cách đưa Hợp tác xã Ánh sáng hoạt động hiệu quả với sản phẩm chính là tăm tre, chổi chít, chổi cán, thu hút gần 20 hội viên tham gia sản xuất trực tiếp và 15 hộ gia đình hội viên nhận sản phẩm về làm tại nhà. Nhờ có việc làm, thu nhập đều đặn, cuộc sống của người lao động tại Hợp tác xã Ánh sáng dần ổn định.

Giống như ông Bạch Quang Khải, nhiều người khuyết tật khác trên địa bàn Hà Nội đã mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và những người đồng cảnh. Đó là ông Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở dạy nghề - việc làm 3-12, đường Đông Ngạc, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm); ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), phường Vạn Phúc (quận Hà Đông)…

Đáng ghi nhận hơn, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương người khuyết tật vượt khó học tốt, chủ động nắm bắt cơ hội việc làm. Nổi bật là chị Lê Hương Giang, bị khiếm thị, hiện là sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Dù chưa tốt nghiệp nhưng chị Giang đã là người dẫn chương trình quen thuộc của nhiều chương trình trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo thống kê của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, hiện nay, hơn 30% người khuyết tật trên địa bàn thành phố còn khả năng lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định. Trên phạm vi cả nước, số lao động là người khuyết tật có việc làm cũng đạt khoảng 30%. “Qua đó khẳng định, người khuyết tật là một bộ phận của lực lượng lao động xã hội, có khả năng tham gia thị trường lao động”, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Thị Hải Hà nhấn mạnh.

Trung tâm Dạy nghề từ thiện nhân đạo Quỳnh Hoa (huyện Thanh Trì) tuyển sinh lao động khuyết tật học nghề tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật diễn ra ngày 26-11-2020 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.

Trợ giúp việc làm cho người khuyết tật theo hướng linh hoạt 

Từ thực tế trên có thể thấy, việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm chính là giải pháp mang ý nghĩa tạo đòn bẩy để người khuyết tật tự tin, chủ động vượt lên hoàn cảnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm, nước ta hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (bằng 7,06% dân số), trong đó số người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động là hơn 2 triệu người. Thế nhưng, đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 282.000 người khuyết tật, tương ứng hơn 10% số người khuyết tật trong độ tuổi và còn khả năng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Đáng quan tâm hơn, cuộc sống của đa số người khuyết tật còn khó khăn, nhưng rất ít người mạnh dạn vay vốn ưu đãi để tạo việc làm. Hiện tại, cả nước mới có hơn 22.000 lượt người khuyết tật vay vốn từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm.

Còn theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp là do nhiều người khuyết tật và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho người khuyết tật quá ngắn (chủ yếu là dưới 3 tháng), nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều người khuyết tật không mặn mà với việc học nghề.

Dưới góc độ là người lao động khuyết tật và cũng là người sử dụng lao động khuyết tật, ông Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở dạy nghề - việc làm 3-12 kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm mở rộng ngành, nghề hỗ trợ đào tạo cho người khuyết tật, bổ sung chính sách trợ giúp việc làm cho người khuyết tật theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng dạng tật.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, ngoài các chính sách đã triển khai, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, nhằm giúp người khuyết tật phát huy khả năng của họ. Theo đó, trung bình mỗi năm, cả nước phấn đấu hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp cho khoảng 200.000 người khuyết tật. Ngoài ra, Bộ khuyến khích các đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật, giúp họ tiếp cận với thông tin đa dạng về thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để người khuyết tật chủ động vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.