(HNM) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có 8,05 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 9,45% dân số. NCT là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Họ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, bao gồm cả nghèo đói do phải dành thu nhập rất ít ỏi của mình cho các dịch vụ chăm sóc nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Trong khi đó, họ lại phải mang "gánh nặng bệnh tật kép".
Hay ốm nhưng ít được chăm sóc y tế
Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam khá cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 58,2 tuổi, xếp thứ 16/174 nước trên thế giới. Đáng nói là, NCT ở nước ta đang phải chịu "gánh nặng kép" trong chăm sóc sức khỏe: xu hướng bệnh chuyển từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính; xuất hiện các bệnh mới do sự thay đổi trong cách sống với các bệnh ung thư, căng thẳng, trầm cảm về tâm thần... đang trở nên phổ biến. Những xu hướng này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn, đồng thời rủi ro dẫn tới khuyết tật cho NCT cao hơn. Độ tuổi càng cao, rủi ro về khuyết tật càng tăng, số ngày nằm trên giường bệnh cũng cao hơn.
Cả nước mới có 5 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi. Ảnh: Viết Thành |
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì tỷ lệ NCT "rất khó khăn" và "không thể" nhìn được ở độ tuổi từ 60 đến 69 là 1,6%; ở độ tuổi từ 70 đến 79 con số này là 4,4%, trên 80 tuổi là 13,2%. Ở khả năng nghe, vận động và ghi nhớ của NCT, tình trạng cũng tương tự. Viện Lão khoa cũng cảnh báo, 76,7% NCT bị giảm thị lực, 60,1% mắc các bệnh về giác mạc, 57,9% đục thủy tinh thể, trên 50% có bệnh mi - giác mạc. Mỗi NCT mắc trung bình 2,6 bệnh mạn tính, thường gặp là các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, cơ xương khớp.
Dù mang "gánh nặng kép" nhưng NCT ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và có sự khác biệt lớn giữa NCT ở nông thôn, miền núi với NCT ở thành thị trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Viện Lão khoa quốc gia cho biết, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh phải có khoa lão, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NCT dựa vào cộng đồng, thực hiện tốt các chương trình phòng ngừa, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến người già. Tuy nhiên, hiện mới có 40% bệnh viện đa khoa ở 63 tỉnh, thành có khoa lão hoặc khoa lão kết hợp với khoa tim mạch hoặc phục hồi chức năng. Một số ít khác có một số giường điều trị dành cho NCT nằm trong khoa Nội. Hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều thiếu cán bộ có chuyên ngành lão khoa bởi việc đào tạo chuyên khoa lão khoa tại các trường y còn hạn chế. Ở cấp quận, huyện, xã, phường chưa có bác sĩ, y tá, nhân viên biết cách chăm sóc NCT. Chăm sóc tại cộng đồng chưa phát triển, cả nước chỉ có 5 cơ sở chuyên chăm sóc y tế lâu dài cho NCT.
"Kính già, già để tuổi cho"
Theo dự báo, số NCT của nước ta sẽ gia tăng nhanh chóng. Năm 2017, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ đạt ngưỡng 10% tổng số dân; năm 2025 là 16,4%; năm 2050 sẽ là 29,4%. Vì vậy, chăm lo cho NCT, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe để duy trì và phát huy dân số khỏe mạnh đang trở thành thách thức với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách.
Dù đã có rất nhiều nỗ lực để chăm sóc NCT nhưng trên thực tế khi tổng chi phí y tế ở nước ta hiện mới chỉ chiếm 5-6% tổng GDP, tương đương 46 USD/người/năm thì phần dành cho NCT khó có thể cải thiện. Do đó, mặc dù tỷ lệ NCT có bảo hiểm y tế tăng nhưng số tiền phải thanh toán từ tiền túi của người bệnh cho cả điều trị nội trú và ngoại trú vẫn cao. Trong khi đó, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hằng tháng được coi là nguồn thu nhập chính của NCT, dù mức độ bao phủ của chương trình chưa cao.
Trong điều kiện đó, huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội để tăng cường các dịch vụ chăm sóc NCT, với sự kết hợp chăm sóc ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của Nhà nước và tư nhân là giải pháp đang được đặt ra. Còn theo PGS-TS Phạm Thắng, Viện trưởng Viện Lão khoa quốc gia, giải pháp có tính khả thi ở thời điểm hiện nay là ưu tiên đầu tư phát triển Viện lão khoa quốc gia để đơn vị chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống lão khoa trên cả nước; đưa nhiệm vụ kiểm soát bệnh không lây, mạn tính vào nội dung chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở, gắn với các nhiệm vụ của công tác y tế dự phòng, DS-KHHGĐ.
Việc xây dựng chính sách cũng như các chương trình và dịch vụ cho NCT là một nhu cầu bức thiết cần phải nhanh chóng được giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh đang có sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu, kinh tế và xã hội như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.