(HNM) - Sau 6 ngày bị cán bộ Công an (CA) Phường 11, quận Gò Vấp hành hung, xúc phạm khi tác nghiệp, chiều 16-9-2015, tại trụ sở CA phường này mới diễn ra cuộc làm việc giữa đại diện VPĐD Báo Hànộimới tại TP Hồ Chí Minh với lãnh đạo CA phường.
Phóng viên bị đánh ngay tại trụ sở CA phường
Dự cuộc làm việc có đại diện Báo Hànộimới do ông Ngô Song Sơn (phụ trách VPĐD) cùng phóng viên Phạm Thanh Tàu (người bị hành hung) và luật sư. Về phía CA Phường 11, quận Gò Vấp có Thiếu tá Nguyễn Tấn Đức - Trưởng CA phường, Trung tá Huỳnh Tấn Đạt - Phó trưởng CA phường, Đại úy Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng CA Phường 11.
Mắt trái của phóng viên Phạm Thanh Tàu vẫn bầm tím sau nhiều ngày khám chữa tại bệnh viện. |
Mắt trái vẫn còn bầm tím, thân thể đau nhức, phóng viên Phạm Thanh Tàu đã tố cáo việc mình đi tác nghiệp, bị hành hung ở hiện trường, bị cản trở tác nghiệp và bị đánh đập xúc phạm ngay tại trụ sở công an phường này…
Theo đó, khoảng 21h ngày 10-9, khi nhận thông tin từ bạn đọc, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phóng viên Phạm Thanh Tàu cùng một người thân đã tới hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực chợ Hạnh Thông Tây, đường Quang Trung, Phường 11, quận Gò Vấp. Khi phóng viên Phạm Thanh Tàu đang chụp hình ảnh hiện trường, một vị CA tên là Phúc (tên ghi trên áo) tới yêu cầu trình giấy tờ (thẻ nhà báo, giấy giới thiệu). Khi phóng viên nói có giấy giới thiệu để trong xe máy bên đường, để ra lấy, thì bất ngờ bị một người mặc thường phục đấm mạnh vào mắt bên trái làm phóng viên choáng váng. Ngay sau đó, vị CA tên Phúc nói lớn là phải đưa về phường gấp. Mặc dù phóng viên giải thích có quyền tác nghiệp và đề nghị cho ra xe máy để lấy giấy tờ trong cốp xe nhưng vị CA tên Phúc không cho, đồng thời cùng một dân phòng cưỡng ép phóng viên lên xe máy áp tải về trụ sở CA Phường 11. Trên đường đi vị CA tên Phúc đã chích điện vào hông phải phóng viên và dọa "cử động là chích". Tại trụ sở CA Phường 11, phóng viên Phạm Thanh Tàu tiếp tục đề nghị được ra xe máy lấy giấy tờ chứng minh là phóng viên tác nghiệp (xe máy đã được CA đưa về trụ sở). Vị CA tên Phúc đáp "mày đi theo tao", nhưng khi phóng viên ra khỏi cửa đã bị 4 người gồm 2 dân phòng, ông Phúc và một người mặc thường phục đánh. Sau đó ông Phúc yêu cầu phóng viên phải viết bản tường trình theo yêu cầu, nếu không sẽ "ngồi lại đây"! Trong thời gian đó, điện thoại của phóng viên Phạm Thanh Tàu bị CA thu giữ, toàn bộ hình ảnh hiện trường đã "không cánh mà bay". Mãi đến 23h45 phút cùng ngày, phóng viên Phạm Thanh Tàu mới được cho về nhà.
Hôm sau, do các chỗ bị đánh trên thân thể bắt đầu bầm tím, đau nhức, buộc phóng viên Phạm Thanh Tàu phải đến bệnh viện khám. Theo kết quả khám bệnh, kết luận: Vùng sau lưng bị nhiều vết bầm, khu vực quanh mắt trái bầm tím...
CA phường không cung cấp được chứng cứ phóng viên sai phạm
Trước lời tố cáo của phóng viên, Đại úy Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng CA Phường 11 (người trực chỉ huy ngày 10-9) cho biết, nội dung sự việc cấp dưới báo cáo lại khác. Theo ông Dũng, người CA tên Phúc mà phóng viên nói đến là Thiếu úy Phạm Minh Phúc. Thiếu úy Phạm Minh Phúc được cử ra hiện trường bảo vệ vụ tai nạn giao thông đêm 10-9. Theo báo cáo của Thiếu úy Phúc thì phóng viên Phạm Thanh Tàu không xuất trình được giấy tờ tác nghiệp, có mùi bia rượu, lời lẽ thái độ không chuẩn mực nên mới mời về phường nhằm tránh cản trở giao thông, bảo đảm an ninh trật tự!? Ông Phạm Thanh Tàu có xuất trình danh thiếp nhưng đây không phải là giấy tờ để chứng minh là nhà báo.
|
Trước yêu cầu của đại diện VPĐD rằng CA Phường 11 cần phải có bằng chứng chứng minh hành vi sai phạm của phóng viên (có mùi rượu bia dẫn đến lời lẽ không chuẩn mực theo như phản ánh trong báo cáo của CA Phường 11), đó là cơ sở vững chắc nhất để xử lý người sai phạm, nhưng lãnh đạo CA Phường 11 cho biết, CA phường này không có máy đo nồng độ cồn nên không cung cấp gì được.
Lý giải nguyên nhân trong bản tường trình với cơ quan thì nói bị hành hung tại hiện trường và tại trụ sở CA phường nhưng tại sao trong bản tường trình với cơ quan CA đêm 10-9 lại không có nội dung này, phóng viên Phạm Thanh Tàu khẳng định: "Trong bản tường trình không ghi bị đánh vì ông Phúc dọa nạt nếu ghi bị đánh sẽ không cho ra khỏi CA phường". Việc "cố gắng" trình bày trước CA bằng danh thiếp, chứng minh nhân dân, theo phóng viên Phạm Thanh Tàu là do CA Phạm Minh Phúc không cho ra xe lấy giấy giới thiệu.
Đại diện VPĐD Báo Hànộimới tại TP Hồ Chí Minh đề nghị phía CA Phường 11 giải thích rõ: CA và dân phòng ép buộc phóng viên lên xe máy, khóa tay sau lưng, áp tải về trụ sở CA phường, giữ nhiều giờ đồng hồ, bắt viết tường trình, có lời lẽ xúc phạm phóng viên (phóng viên có bằng chứng), là việc làm có đúng quy định? Trước đề nghị này, đại diện CA Phường 11 đã từ chối trả lời, với lý do thuộc lĩnh vực của ngành!?
Cần kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm người sai phạm
Dù bị CA Phạm Minh Phúc thu mất điện thoại, xóa hình ảnh, nhưng vẫn còn một điện thoại khác trong người nên phóng viên Phạm Thanh Tàu đã ghi âm được nhiều nội dung trong quá trình làm việc. Trong đó, Thiếu úy Phạm Minh Phúc đã có những lời lẽ vi phạm quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BCA của Bộ CA quy định về Điều lệnh nội vụ CAND. Thông tư của Bộ CA chi tiết đến mức, ngay cả khi tiếp xúc với đối tượng vi phạm pháp luật, chiến sĩ CA cũng không được có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử…, chứ chưa cần nói là người dân bình thường. Thế nhưng, trong băng ghi âm, Thiếu úy Phạm Minh Phúc nói rất tục tĩu, lăng mạ phóng viên và xúc phạm đến cả cơ quan báo chí… Trước các vấn đề nêu trên, đại diện CA Phường 11 cho biết, vụ việc hiện đang được cơ quan cấp trên là CA quận Gò Vấp vào cuộc làm rõ. Những vấn đề khác với báo cáo của CA phường cũng như các chứng cứ liên quan cũng sẽ được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ xem xét, xử lý. "Quan điểm lãnh đạo CA các cấp là nếu cán bộ, chiến sĩ sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm theo quy định ngành!'" - Trưởng CA Phường 11 - Thiếu tá Nguyễn Tấn Đức cam kết.
Cùng trong ngày 16-9, Tổng Biên tập Báo Hànộimới đã có công văn gửi Giám đốc CA TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, đề nghị kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh những người vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phóng viên.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Về quan điểm pháp luật, tôi thấy rằng vụ việc này có dấu hiệu cản trở phóng viên tác nghiệp, do đó đã vi phạm Luật Báo chí, có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe phóng viên; vi phạm nghiêm trọng Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 của Bộ CA quy định về Điều lệnh, nội vụ Công an nhân dân; vi phạm Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật. Tôi đề nghị, ngoài lực lượng Thanh tra CA quận Gò Vấp vào cuộc để làm rõ, kết luận đối với cán bộ chiến sĩ của ngành, phải có Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc xác minh làm rõ việc cản trở phóng viên tác nghiệp theo Luật Báo chí và sớm có kết luận rõ ràng để xử lý nghiêm những người liên quan. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.