Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị khởi tố hai phó giám đốc Vietinbank TP HCM

Vân Nam| 13/01/2014 14:01

(HNMO)- Sáng 13/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro VietinBank) cùng đồng bọn được tiếp tục với phần tranh luận.

Huyền Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM. Như trực tiếp tiếp xúc với nhiều người, đại diện các tổ chức để huy động vốn với lãi suất thỏa thuận từ 18 đến 36% năm. Với mục đích lừa đảo, Như thuê làm 8 con dấu giả, làm nhiều hồ sơ, chữ ký giả để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân.


Viện kiểm sát nhận định, Như thừa nhận hành vi phạm tội của mình giống như cáo trạng đã công bố. Viện đề nghị chấp nhận một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo này như hối hận, thành khẩn khai báo, có thai lúc bị bắt, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng…

Bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) góp vốn thành lập công ty Hoàng Khải với Như và có vai trò giúp sức tích cực để Như thực hiện hành vi phạm tội của mình. Tuấn đã cùng gặp gỡ với một số cá nhân, tổ chức dù biết cấp dưới làm sai. Nhờ cuộc gặp gỡ có mặt Tuấn mà bốn công ty ở Hà Nội đã tin tưởng, chuyển tiền gửi vào ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, thực chất, Như lại chiếm dụng toàn bộ số tiền này với tổng trị giá 1.678 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Tuấn nhận được từ Như 10 tỉ đồng.

Trong suốt phiên tòa, mặc dù Tuấn không thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, thông qua lời khai của Như, các bị cáo, bị hại… vẫn có thể khẳng định hành vi của Tuấn sai trái đúng như cáo trạng truy tố. Do Tuấn không nhận tội nên không có tình tiết để giảm án.

Bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như) dù không có tiền gửi ngân hàng, không có nhu cầu vay mượn tiền nhưng vẫn chấp nhận ký vào giấy vay mượn tiền theo ý Như để bị cáo này chiếm đoạt 15 tỉ đồng. Trong phiên tòa, Hạnh thừa nhận hành vi tội lỗi, thành khẩn khai báo, có con nhỏ nên có tình tiết giảm án.

Đối với các bị cáo là nhân viên ngân hàng Vietinbank. Mặc dù biết trách nhiệm của mình, nắm rõ nghiệp vụ. Tuy nhiên, do quá tin tưởng Như nên vẫn rơi vào con đường phạm pháp. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình đã gây ra.

Nhóm đối tượng cho Như vay nặng lãi dù biết hành vi mình làm trái pháp luật. Nhưng vì lòng tham, các bị cáo này vẫn lấy cho vay lấy lãi nặng làm nghề. Các bị cáo cũng chính là người vô tình đẩy Như vào hoàn cảnh hôm nay. Không chỉ thế, các bị cáo đã tiếp tay cho Như gây xáo trộn tình hình kinh tế trong nước một khoảng thời gian dài.

Vietinbank không phải bồi thường

Về phần bồi thường dân sự, tất cả các bị hại trong vụ án đều đề nghị ngân hàng Vietinbank bồi thường toàn bộ số tiền mình đã mất cùng với số lãi. Viện kiểm sát cho rằng yêu cầu này là không có căn cứ. Hầu hết, họ đều thực hiện các hợp đồng ở bên ngoài trụ sở Vietinbank và tất cả chỉ thông qua Như.

Viện kiểm sát cho rằng, bởi tin vào Huyền Như và lòng tham muốn được hưởng lợi lãi suất cao của ngân hàng nên những cá nhân, tổ chức này bị lừa đảo. Về cả nội dung lẫn hình thức, các bị hại đều chấp nhận chịu rủi ro vào mình. Vì, gửi tiền vào ngân hàng nhưng không lấy sổ mà chỉ chịu mở tài khoản. Gửi tiền nhưng không đến nơi, không gặp nhân viên, chỉ chủ yếu gặp Như. Lệnh chi tiền chỉ là những bước tiếp theo để Như chuyển số tiền chiếm đoạt được đem đi trả nợ của mình.

Ngay từ ban đầu, Như đã có ý định chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Khi tiếp xúc, Như thực hiện hoạt động lừa đảo của mình. Bị cáo đã lập hồ sơ giả, sổ tiết kiệm giả, chữ ký giả… Các bị hại chỉ gặp Như, không xác nhận lại thông tin từ ngân hàng nên tạo sơ hở để Như thực hiện hành vi của mình. Khi số tiền của các bị hại gửi vào tài khoản cũng là lúc toàn bộ số tiền này bị Như chiếm đoạt.

Từ những điều này, viện kiểm sát cho rằng, Vietinbank không phải bồi thường và đề nghị Huyền Như phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Đề nghị hai án chung thân

Từ những phân tích trên, VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo:

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro VietinBank) bị đề nghị mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5-7 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị mức án tù chung thân, Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, chị gái Huyền Như) bị đề nghị từ 16-18 năm tù, Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Hoàng Khải) bị đề nghị từ 17-19 năm tù.

Bị cáo Phạm Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương) bị đề nghị từ 13-15 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Huỳnh Hữu Danh (nhân viên ngân hang TMCP Quốc tế Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Trần Thanh Thanh (nguyên Phó phòng dịch vụ khách hàng, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 14-16 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 14-16 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ từ 10-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 14-16 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) bị đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) bị đề nghị từ 8-10 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Hồ Hải Sỹ (nguyên Phó phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) từ 6-8 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) bị đề nghị từ 4-6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Nguyễn Thị Lành (SN 1962, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Đông) bị đề nghị từ 10-12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng”.

Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc công ty TNHH Dung Vân) bị đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng”.

Các bị cáo Hùng Mỹ Phương (SN 1974, môi giới chứng khoán) bị đề nghị từ 2 năm 3 tháng đến 2 năm 6 tháng, Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, buôn bán) bị đề nghị từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, Phạm Văn Chí (SN 1977) bị đề nghị từ 9 đến 12 tháng về tội “Cho vay lãi nặng”.

Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều lãnh đạo ngân hàng

Bên cạnh những đề nghị ở trên, viện kiểm sát cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Vietinbank trong việc quản lý nhân viên, gây ra chuyện lớn, ảnh hưởng xấu đến ngân hàng và hoạt động trong việc tiền tệ. Viện đề nghị khởi tố đối với hai phó giám đốc Vietinbank TP.HCM là bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện kiểm sát cũng đề nghị truy tố bổ sung đối với bà Vũ Hồng Hạnh, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông vì đã ký 7 lệnh chi khống để Huyền Như lợi dụng.

Ngoài ra, viện kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra xem xét hành vi phạm tội của nhiều cá nhân đã cho Như vay tiền lấy lãi suất cao, nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự.

Đặc biệt, viện đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các ngân hàng Navibank, ngân hàng Tiên Phong…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị khởi tố hai phó giám đốc Vietinbank TP HCM

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.