(HNMO) - Sáng 23-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất nhận định, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc bỏ quy định khung giá đất và quan tâm góp ý vào quy định về bảng giá đất trong dự thảo luật. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Liễu Giai Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị cần xác định rõ khái niệm "giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường", phương pháp áp dụng trong điều chỉnh bảng giá đất. Bởi lẽ, theo thực tế hiện nay, giá đất trên thị trường biến động liên tục. “Nếu nhà nước căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất trong năm thì bảng giá đất sẽ phải điều chỉnh liên tục dẫn đến thiếu ổn định, gây tranh cãi trên thị trường bất động sản và công tác quản lý, sử dụng đất đai”, ông Nguyễn Quốc Tuấn nói.
Cho rằng theo quy định ban hành hằng năm nhưng thực tế trong năm có thay đổi, biến động về giá đất, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quán Thánh Bùi Việt Hùng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp căn cứ chức năng và thẩm quyền cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp bằng văn bản dưới luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp, mang tính thời sự cao. Đặc biệt khi giá đất có biến động 20% trở lên thì cần tính toán cân đối nhằm tạo sự công bằng cho người dân, nhất là những nơi cần đền bù để xây dựng những công trình phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông Bùi Việt Hùng cũng cho rằng cần quy định thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi cụ thể, ví dụ sau 5 năm mà chưa thực hiện thì phải tính lại giá đền bù thỏa đáng cho người dân; có tiêu chí khoa học và thực tế để xác định giá đất tại thời điểm cụ thể để tiến tới chấm dứt được thực trạng khiếu nại do được đền bù thấp hơn giá trị thị trường và không nhất quán, không tạo được sự đồng thuận của người dân.
Ông Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn) cho rằng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong dự thảo Luật cần hướng tới thực hiện tốt hơn cả về diện mạo đô thị, nông thôn cũng như đời sống nhân dân. Đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật cần nhìn xa hơn về mặt xã hội để thực hiện các khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, tránh hiện tượng xuống cấp, tái đầu tư cơ sở vật chất chỉ sau vài năm.
Đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tham gia vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất là chưa phù hợp vì sẽ bỏ qua chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của những người đại diện quyền sở hữu toàn dân về đất đai, tránh trường hợp “lợi ích nhóm”, tham nhũng về đất đai.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình Đỗ Thị Duy Nhiên đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức khác nhau. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.