Sáng 22-8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stephanie D’Hose đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 25-8.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện với EU, trong đó có Bỉ. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá chuyến thăm là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Bỉ, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.
Đáp lại, Chủ tịch Thượng viện Stephanie D’Hose nhấn mạnh, Bỉ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau đại dịch, vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực và quốc tế.
Hai bên vui mừng nhận thấy hợp tác giữa hai nước nói chung và hai cơ quan lập pháp nói riêng có nhiều bước phát triển tích cực thời gian qua. Nhằm đẩy mạnh tin cậy chính trị, hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Bỉ, cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển; mong muốn hai nước tận dụng tốt các cơ hội do Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại. Bộ trưởng đề nghị Bỉ sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước; mong muốn Bỉ thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam để duy trì kế sinh nhai cho hàng trăm nghìn ngư dân Việt Nam và đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng châu Âu.
Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Stephanie D’Hose khẳng định Nghị viện Liên bang Bỉ đang tích cực triển khai các bước, và phấn đấu phê chuẩn EVIPA trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Nghị viện hiện nay; ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, phát triển nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chất độc dioxin tại Việt Nam.
Hai bên cũng đạt nhất trí trong việc tạo thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân cũng như hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tiếp tục hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, đặc biệt là hai nước phối hợp chặt chẽ tại Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 đóng góp vào công việc chung theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.