Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để luật sớm đi sâu vào cuộc sống

Nhóm phóng viên| 21/10/2020 06:26

(HNM) - Ngày 14-10 vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bên cạnh việc trao đổi những nội dung mới, Bộ Nội vụ tiếp tục tiếp nhận và giải đáp những nội dung còn chưa rõ, vướng mắc trong thực tiễn để thống nhất cách hiểu đúng, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đưa luật đi sâu, đi sát vào cuộc sống. Xung quanh hoạt động này, Báo Hànộimới ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá tâm huyết của bạn đọc...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bám sát thực tiễn, hướng tới việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. Ảnh: Nhật Nam

Chị Cấn Thị Hương Giang, viên chức Trung tâm Thông tin - Triển lãm Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao): 
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này là công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức. Cụ thể là sửa cụm từ “phân loại đánh giá” thành “xếp loại chất lượng” và bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” trong mức “hoàn thành nhiệm vụ” đối với cán bộ, công chức; bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách... Như vậy có thể thấy, luật đã sâu, sát hơn với cuộc sống, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bà Vũ Thu Hương, giáo viên Toán, Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, quận Long Biên: 
Luật đã sửa đổi một số bất cập trong thực tiễn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã sửa đổi một số bất cập trong thực tiễn khi triển khai; chỉnh sửa quy định về hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giúp khắc phục tình trạng lợi dụng quy định của luật để trục lợi, hưởng các chế độ này khi chuyển công tác hoặc trước khi nghỉ hưu. Hiện nay các nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được ban hành, kịp thời điều chỉnh một số vấn đề cụ thể. Việc trao đổi những vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai luật sẽ giúp thống nhất cách hiểu đúng, những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn nhưng chưa được hướng dẫn... để báo cáo Chính phủ bổ sung góp phần nâng tính bao quát của luật, giúp triển khai luật có hiệu quả.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sớm đi vào cuộc sống sẽ bảo đảm việc thực hiện thống nhất các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: Đỗ Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyên, khu chung cư Gardenia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm: 
Cách làm hiệu quả để đưa luật đi sâu, đi sát cuộc sống

Việc Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lắng nghe những vướng mắc, khó khăn, giải đáp những vấn đề chưa rõ của các địa phương cho thấy sự thận trọng của Bộ và Chính phủ trong quá trình triển khai luật. Trước đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Sau một thời gian triển khai thực hiện luật, Bộ Nội vụ lại tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến để ghi nhận những vấn đề tồn tại, cần hướng dẫn, bổ sung để phù hợp với các nghị quyết của Đảng và tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Cá nhân tôi đánh giá đây là cách làm hay, vừa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngân sách; vừa là cách làm mới nhằm đưa luật đi sâu, đi sát vào cuộc sống.  

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lãm, quận Hà Đông:
Bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định của luật trên phạm vi cả nước

Thực tế cho thấy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là tiền đề quan trọng để mỗi cơ quan, đơn vị phát huy sức mạnh toàn diện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ pháp lý trong việc thực thi các quy định của pháp luật, liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức như: Quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ… Dù được rà soát, lấy ý kiến rộng rãi ngay từ khâu soạn thảo, nhưng theo Bộ Nội vụ, quá trình triển khai các văn bản luật vẫn cho thấy có nhiều vấn đề bất cập tại các địa phương cần được tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tiễn. Việc Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương sớm phản hồi ngay các vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện hai văn bản pháp lý này để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định của luật cũng như nghị định của Chính phủ trong phạm vi cả nước là cách làm vừa thận trọng, nghiêm túc, vừa góp phần sớm đưa luật vào cuộc sống, phát huy tối đa những điểm ưu việt của luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để luật sớm đi sâu vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.