Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để luật đi vào cuộc sống

Hồ Bách| 11/12/2015 06:18

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Luật Hộ tịch với nhiều nội dung liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân có hiệu lực thi hành (1-1-2016). Vấn đề được quan tâm là từ thời điểm này, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh sẽ bao gồm mã số định danh cá nhân có giá trị theo các em đến suốt đời, không thay đổi, liệu có được triển khai đúng hẹn?

Nếu thực hiện đúng lộ trình, theo tính toán của Bộ Tư pháp, đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân bằng công nghệ sẽ tạo bước đột phá trong cải cách tư pháp. Thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới hộ tịch hiện nay sẽ được rút gọn cả tờ khai và chi phí sao chụp, chứng thực. Người dân có thể nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép. Cũng theo Luật Hộ tịch, người dân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây vì mã số định danh của công dân chứa đựng rất nhiều thông tin, từ họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, cho đến họ tên cha, họ tên mẹ…

Song những tiến bộ được quy định trong Luật Hộ tịch phụ thuộc rất lớn vào sự nhập cuộc của các cơ quan liên quan. Lấy ví dụ, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ em sẽ được đẩy sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Sau khi thực hiện kiểm tra đối soát dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ dựa trên các thông tin nhận được để mã hóa, lập số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân đã bao gồm mã số định danh cá nhân.

Việc kết nối trao đổi thông tin giữa hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và hệ thống cấp số định danh cá nhân còn liên quan chặt chẽ đến cán bộ tư pháp, hộ tịch trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, nhất là khi công dân có những thay đổi như kết hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, khai tử… Chỉ một khâu sai, các khâu sau sẽ không chính xác. Trong bối cảnh chất lượng cán bộ tư pháp, hộ tịch chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thông tin ở cơ sở còn yếu, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc triển khai chắc chắn không đơn giản.

Để tránh bỡ ngỡ trong những ngày đầu triển khai Luật Hộ tịch, công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở rất quan trọng. Với những vấn đề chưa thông, cần có tiếng nói chung và sự nhập cuộc tháo gỡ của các ngành, các cấp mới có thể đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để luật đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.