Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để lòng tin tưởng mãi đắp bồi

Long Hà| 12/10/2020 06:21

(HNM) - Trong bài viết “Lòng tin tưởng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21-2-1952, trên cơ sở phân tích thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát những yếu tố của lòng tin tưởng:

“Tin tưởng vào gì? Tin tưởng vào ai?

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc.

Tin tưởng vào lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta.

Tin tưởng vào lực lượng cách mạng của nhân dân thế giới…”

Bác cũng chỉ rõ, cần phải luôn tin tưởng vào Đảng và Chính phủ; vào lý luận Mác - Lênin và chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng đất nước.

Thực tiễn cách mạng không phải một đường thẳng ngang bằng. Giữ vững và vun đắp niềm tin trên con đường gập ghềnh ấy luôn là nhiệm vụ quan trọng với mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với những giá trị mà tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên mang lại cho nhân dân: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong cách sống, cách làm việc cũng như trong quan hệ với tổ chức và nhân dân; cũng như cách sửa chữa những khuyết điểm này. Trong đó, hai vấn đề lớn nhất tác động tới lòng tin là đạo đức cách mạng và mối quan hệ với nhân dân đã được Bác đặc biệt quan tâm.

Nhiều bài nói, bài viết của Bác từ rất sớm đã cảnh báo về “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân trong một số cán bộ, đảng viên. Sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, điều này càng được Người nhắc tới nhiều hơn. Bác nhấn mạnh: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý cách làm việc quan liêu của một số cán bộ, đảng viên: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Từ đó dẫn tới hàng loạt biểu hiện cụ thể như: Xa nhân dân, không hiểu biết sức mạnh của nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không thương yêu nhân dân…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt lưu ý việc phải chống những biểu hiện làm suy giảm lòng tin của nhân dân với cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng. Người nhấn mạnh: “Quan liêu, lãng phí, tham ô làm hại cho dân. Phải hiểu vì dân và chống tham ô, lãng phí. Tham ô, lãng phí là một tội đối với nhân dân. Ai cũng phải chống”.

Mặc dù công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả to lớn, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhiều cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát cơ sở. Việc thực thi nhiệm vụ, chức trách của một số cán bộ đạt hiệu quả thấp. Ý thức nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước công việc được giao còn thiếu tự giác.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ diễn ra ở nhiều cấp độ và không còn là chuyện hiếm ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh: Những hạn chế, khuyết điểm đang tồn tại đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Mất lòng tin là mất tất cả!

Với một cá nhân hay một tổ chức đều vậy!

Lòng tin tưởng không tự nhiên mà có, nó chỉ xuất hiện trên cơ sở nhận thức của mỗi cá nhân trước thực tế khách quan.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng có vị thế to lớn trên thế giới. Tương lai phát triển của dân tộc ngày càng tươi sáng.

Những thành tựu to lớn mà đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua là minh chứng không gì lay chuyển được về sự đúng đắn của đường lối cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng vượt qua gian khổ, thử thách, trong ngục tù hay trên chiến trường… đã nêu gương mẫu mực, trọn đời vì nước, vì dân.

Thực tế khách quan ấy, đã làm nên tầm cao, sức gắn kết son sắt vững bền lòng tin của nhân dân với Đảng!

Niềm tự hào vô giá khi được nhân dân gửi trao sứ mệnh lãnh đạo đất nước đòi hỏi Đảng phải luôn không ngừng tự đổi mới và chỉnh đốn, kiên quyết đẩy lùi những hạn chế, khuyết điểm đang tồn tại trong mỗi tổ chức Đảng để xứng với giá trị to lớn ấy.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - là bản lĩnh và cũng là sức mạnh làm nên sức thuyết phục của Đảng trước nhân dân. Điều này đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng thường xuyên tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính với tiêu chí lấy kết quả công việc và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Để làm được điều này, không chỉ tôn trọng dân, gần dân, học dân, quan tâm hơn tới đời sống và lợi ích của nhân dân… mà cần thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong bài viết nhan đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đăng trên các báo ngày 1-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức Đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nêu gương đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính” là trách nhiệm và đạo lý của mỗi cán bộ, đảng viên với lòng tin của nhân dân!

Kết quả thành công của đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng chính là hình ảnh sống động cho những ngày hội “ý Đảng, lòng dân” trên khắp mọi miền, thiết thực đắp bồi cao thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lòng tin tưởng mãi đắp bồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.