(HNM) - Gần đây, các cơ quan chức năng đã xin lỗi công khai người bị oan sai, nhưng có trường hợp, việc tổ chức diễn ra không trọn vẹn, khiến người bị oan thêm một lần tổn thương.
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp Trần Việt Hưng cho rằng, một phần do luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai; nhưng chưa cụ thể về nội dung, thời gian, thành phần... Vì vậy, tới đây rất cần những quy định chặt chẽ về điều này để việc xin lỗi diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm và đạt hiệu quả.
Lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh (Sóc Trăng) trao quyết định minh oan và thừa nhận làm oan người vô tội trong vụ án cướp xe bị xử oan năm 2014. |
Niềm vui không trọn vẹn
Chiều 25-4, buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại huyện Tân Yên, Bắc Giang) - người từng bị TAND tỉnh Bắc Giang và Bản án hình sự phúc thẩm số 706/2011/HSPT của TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạm tội “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em” do có thiếu sót sai lầm trong việc khởi tố, truy tố xét xử, đã không diễn ra như kế hoạch. Hôm ấy, tất cả các đơn vị liên quan, từ cơ quan điều tra, truy tố đến cơ quan xét xử đều tham dự. Điều khá bất ngờ khi các cơ quan tố tụng chuẩn bị bước vào hội trường để tiến hành xin lỗi người từng bị kết án oan thì xảy ra việc nhiều người (được cho là người thân của bị hại) kéo đến gây náo loạn phòng làm việc.
Những người quá khích cho rằng, nạn nhân bị chết đầy oan ức, nếu chưa bắt được hung thủ thực sự thì chưa nên diễn ra việc xin lỗi người bị kết án oan. Khi ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, đại diện cho TAND cấp cao tại Hà Nội đọc lời xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, người thân của bị hại mất bình tĩnh, liên tục gây mất trật tự. Vợ chồng ông Hàn Đức Long phải rời hội trường khi buổi lễ chưa kết thúc vì an ninh không bảo đảm.
Trước đó, một buổi xin lỗi công khai diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng cũng không mang đến niềm vui trọn vẹn cho người bị oan. Sáng 28-10-2015, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi xin lỗi ông Phạm Văn Lé (SN 1963; ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) và ông Phạm Văn Lến (em ông Lé). Cả 3 người bị khởi tố, bắt giam oan sau cái chết bất thường của một người đàn ông ở cùng phường. Buổi xin lỗi không được thông báo cho người dân nơi gia đình ông Lé sinh sống. Ba người bị oan được mời vào hội trường của nhà văn hóa thôn đóng kín cửa để làm thủ tục xin lỗi trong khoảng 15 phút, khiến ai cũng có cảm giác hụt hẫng.
Cần quy định trình tự cụ thể, rõ ràng
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, việc xin lỗi công khai người bị kết án oan, nhất là những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này sao cho trọn vẹn đã nhận được sự quan tâm của báo chí. Nhiều phóng viên nêu vấn đề: Trong bối cảnh như vậy, sao không hoãn buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long mà vẫn “cố gắng làm cho xong”?
Về vấn đề này, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp giải thích, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ 3 nội dung chính về việc tổ chức xin lỗi công khai. Thứ nhất là, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi. Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi. Thứ ba, có thể xin lỗi qua hai hình thức là trực tiếp xin lỗi tại nơi cư trú người bị oan hoặc đăng cải chính trên báo chí trung ương và địa phương. Còn việc tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần gồm những ai… chưa được quy định rõ, do đó dẫn đến xảy ra sự cố đáng tiếc như trên.
Từ thực tiễn thời gian qua, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã đề ra các giải pháp khắc phục những bất cập trên. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi sẽ nghiên cứu quy định một cách cụ thể: Thay vì phải có đơn yêu cầu của người bị oan mới tổ chức xin lỗi, ngay trong quá trình giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm phải tổ chức xin lỗi công khai. Riêng đối với yêu cầu khôi phục danh dự sẽ không có thời hiệu, còn đối với yêu cầu về tài sản thì thời hiệu là 3 năm. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cụ thể về địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan phải xin lỗi trong việc tổ chức xin lỗi công khai nhằm bảo đảm tính khả thi cao nhất.
Ghi nhận những giải pháp nêu trên là hết sức cần thiết, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức xin lỗi không chỉ đòi hỏi cơ chế xin lỗi, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn mà cần có phương án tổ chức, phương án bảo vệ buổi xin lỗi của chính cơ quan phải xin lỗi, nhằm tránh xảy ra các vụ việc tương tự. Đây là vấn đề mà Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu để việc tổ chức xin lỗi công khai thể hiện tính nghiêm minh cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với người bị oan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.