(HNM) - Sáng nay (1-6), bạn bè, đồng nghiệp, người thân thương xót tiễn đưa NSND Nguyễn Hồng, người họa sĩ lão làng trong giới mỹ thuật sân khấu Việt Nam, người tạo tiếng vang và hàng loạt giải thưởng qua vở "Sao Khuê đất Việt" về nơi an nghỉ cuối cùng ở tuổi 85.
Trên sân khấu tuồng trong Nam ngoài Bắc, người xuất sắc trong viết kịch bản và đạo diễn thì nhiều nhưng ở lĩnh vực thiết kế, trang phục thì nổi bật vẫn là NSND Nguyễn Hồng. Vị Giám đốc của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong nhiều năm ấy là họa sĩ đầu tiên trong cả nước đi học ở nước ngoài (tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Nhà hát Maxcơva) để đem những tinh hoa nghệ thuật sân khấu nước bạn về góp sức tôn vinh nghệ thuật truyền thống nước nhà.
Nguyễn Hồng sinh năm 1926 ở Hà Nội, tham gia cách mạng từ rất sớm. Quãng năm 1945 đã thấy ông hoạt động trong Đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu; 19 tuổi đã thuộc lực lượng nòng cốt cướp chính quyền tại Hà Nội (19-8-1945) và có mặt trên chiến lũy Liên khu II cùng đội quân quyết tử bảo vệ Tổ quốc (12-1946). Sau đó, ông liên tục tham gia cách mạng trên cương vị là cán bộ chính trị văn hóa khắp các mặt trận Tây Bắc, Liên khu III gian khổ. Năm 1971, họa sĩ Nguyễn Hồng chuyển về Phòng Nghệ thuật (Sở Văn hóa Hà Nội) và bắt đầu chuyên sâu vào thiết kế, dàn dựng sân khấu cho các đoàn nghệ thuật. Đến giờ, nhiều diễn viên, đạo diễn, lãnh đạo Nhà hát Bội TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuồng Liên khu 5, Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… còn nhớ hình ảnh ông giám đốc Nguyễn Hồng ăn khoai lang luộc qua bữa, hăng say dựng vở hàng chục tiếng đồng hồ mà chẳng hề than mệt.
Nguyễn Hồng ra đi, để lại dấu ấn trong hơn 400 tác phẩm sân khấu. Nhiều vở diễn giành được HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nhờ có bàn tay thiết kế và phục trang tài hoa của ông: vở "Đề Thám", "Trưng Vương", và đặc sắc nhất là "Sao Khuê đất Việt" (HCV Hội diễn năm 1985). Sân khấu do NSND Nguyễn Hồng thiết kế vừa tráng lệ, đậm đà bản sắc dân tộc mà lại có nét hiện đại.
Họa sĩ Nguyễn Hồng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 1993 cùng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Chiến thắng, Huân chương Kháng chiến, Chiến sĩ Văn hóa, Huy chương: "Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật"... Sau này, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn dành tâm huyết chỉ bảo cho thế hệ sau. Mấy năm gần đây, ông bị tai biến rồi bị mù cả hai mắt, chân không nhấc lên được nhưng vẫn theo dõi, hướng dẫn anh em ở nhà. Có ai đến thăm, họa sĩ vẫn say sưa hỏi chuyện dựng vở, lo lắng cho nghệ thuật dân tộc. Tết vừa rồi, ông yếu nhiều nhưng vẫn cố gắng hoàn thiện tác phẩm mỹ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho trọn nghĩa người con của đất Hà thành.
4h45 ngày 28-5, họa sĩ tài năng ấy đã ra đi về miền cực lạc, để lại cho đời một ánh sao Khuê lấp lánh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.