Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để kinh tế chia sẻ phát triển tích cực

Hồng Sơn| 28/12/2020 07:09

(HNM) - Các loại hình kinh tế chia sẻ và làm gì để phát triển hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Kinh tế chia sẻ góp phần thúc đẩy hình thức vận tải trực tuyến phát triển, ảnh chụp tháng 10-2020. Ảnh: Sơn Hà

- Xin ông cho biết kinh tế chia sẻ là gì, thực trạng và tương lai của mô hình này trên bình diện thế giới?

- Trên thế giới, kinh tế chia sẻ có nhiều tên gọi khác nhau nhưng khái niệm có ý nghĩa tương đồng, như kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu, kinh tế nền tảng, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động…

Các nước nhìn nhận về kinh tế chia sẻ cũng không giống nhau. Một số nước ban đầu cho phép kinh tế chia sẻ hoạt động với quy định khá dễ dàng, nhưng sau đó siết chặt dần; một số nước lại khá dè dặt ngay từ đầu. Do kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng được lợi thế công nghệ để khai thác tài nguyên nhàn rỗi nên có tiềm năng phát triển, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

- Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đã hình thành bao lâu và tập trung vào những hoạt động nào, thưa ông?

- Kinh tế chia sẻ đã hình thành ở Việt Nam vài năm gần đây nhưng vẫn chậm hơn so với thế giới. Ban đầu từ vận tải trực tuyến (Grab, Uber, Be), chia sẻ phòng ở lưu trú, cho vay ngang hàng..., giờ kinh tế chia sẻ đang mở rộng sang lĩnh vực lao động - việc làm, dịch vụ ăn uống, du lịch, các dịch vụ cho người tiêu dùng...

Hiện chưa có thống kê chính thức về kinh tế chia sẻ nên khó định lượng chính xác kết quả của hoạt động này ở Việt Nam. Tuy vậy, kinh tế chia sẻ có nhiều tác động tích cực, bao gồm việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường; thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường; tác động tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, việc làm cho người lao động, quan hệ lao động, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Vậy hạn chế của kinh tế chia sẻ là gì và đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Trong quản lý nhà nước về kinh tế chia sẻ, thực tế đã và đang bộc lộ bất cập về thu thuế, giải quyết quan hệ lao động, cạnh tranh và an ninh an toàn của nền kinh tế. Phức tạp cũng phát sinh khi các mối quan hệ mới trên thị trường chưa thể nhận diện đầy đủ, thiếu biện pháp bảo đảm lợi ích của các bên tham gia giao dịch…

Về nguyên nhân, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, trong khi quy định hiện hành chủ yếu áp dụng cho mô hình kinh doanh truyền thống. Mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng công nghệ trên nền tảng internet (xuyên biên giới) và thể hiện quan hệ hợp đồng giữa nhiều bên, bao gồm doanh nghiệp cung cấp nền tảng, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ nên việc nắm bắt thông tin, áp dụng quy định luật pháp còn gặp nhiều khó khăn...

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng?

- Trước hết cần hoàn thiện hệ thống quy định, gồm đăng ký hoạt động, các điều kiện kinh doanh, cơ chế thanh toán, thuế, kiểm tra, chính sách lao động và các vấn đề xã hội khác. Mục tiêu là nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm các mặt tiêu cực; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Đồng thời, chúng ta cũng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số.

Ở đây tôi xin nhấn mạnh thêm một số nội dung. Nhà nước duy trì các quan điểm chính sách ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số, không nhất thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này. Tư duy và cách thức quản lý nhà nước cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương, người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp truyền thống cũng rất quan trọng. Điều đó khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của đơn vị cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, từ đó hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, để kinh tế chia sẻ phát triển, mang lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp cung cấp nền tảng cần sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ và tuân theo sự quản lý của Nhà nước đối với phân khúc thị trường mình tham gia.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để kinh tế chia sẻ phát triển tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.