(HNM) - Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ từ các nước tiên tiến.
Các doanh nghiệp không nên nhập khẩu thiết bị quá cũ nát và lạc hậu, để tránh nguy cơ biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải của thế giới. Ảnh: Huy Hùng |
Tuổi thiết bị không quá 10 năm
Tại cuộc giao lưu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, để tránh nguy cơ biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải của thế giới vì nhập khẩu tràn lan công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và không bảo đảm quy định về môi trường, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014, quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Thông tư 20). Tuy nhiên, sau khi ban hành, thông tư đã phải tạm ngưng thực hiện do có nhiều ý kiến phản ứng của DN, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Việc quy định điều kiện nhập khẩu phải đáp ứng cả 2 tiêu chí: Thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là khá chặt (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được áp dụng thời hạn sử dụng không quá 3 năm, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm do các bộ đề xuất). Đồng thời, quy định việc giám định chất lượng còn lại do tổ chức giám định được các bộ chỉ định, thực hiện việc giám định có khả năng gây ách tắc tại các cửa khẩu, tăng chi phí của DN. Mặt khác, sự chuẩn bị của các bộ cũng chưa sẵn sàng, đầy đủ cho việc triển khai thực hiện Thông tư 20.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành xây dựng thông tư sửa đổi Thông tư 20 (thông tư mới). Về cơ bản, yêu cầu đối với việc nhập khẩu thiết bị cũ được xem xét và áp dụng theo tiêu chí "Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm", tuổi thiết bị được tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sẽ bảo đảm các thiết bị cũ sẽ không lạc hậu quá một thế hệ công nghệ và chất lượng cũng ở mức độ chấp nhận được. "Chúng tôi mong các DN cùng chia sẻ sự quan ngại của Nhà nước để tránh cho Việt Nam có thể trở thành "bãi rác công nghệ" của thế giới. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Trường hợp đặc thù...
Nhiều độc giả bày tỏ băn khoăn trước những quy định mới nói trên: Nếu áp dụng yêu cầu tuổi của thiết bị nhập khẩu không quá 10 năm, liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch các DN nước ngoài muốn đầu tư sản xuất bằng cách di chuyển cả nhà máy về Việt Nam hay không, vì các nhà máy này được lắp đặt quá 10 năm ở nước ngoài. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, giám định và thẩm định công nghệ Đỗ Hoài Nam cho rằng: Trường hợp này, DN nước ngoài cần lưu ý, khi lập hồ sơ dự án đầu tư tại Việt Nam, cần liệt kê rõ danh mục thiết bị cũ dự kiến nhập khẩu, để được các cơ quan có thẩm quyền xem xét ngay giai đoạn này. Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư, DN được nhập khẩu thiết bị cũ mà không phải áp dụng điều kiện về tuổi thiết bị. Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu, dây chuyền công nghệ, thiết bị này sẽ không được bán, chuyển nhượng cho đối tác khác ở Việt Nam. Trường hợp không liệt kê danh mục thiết bị cũ trong hồ sơ dự án, DN phải đáp ứng điều kiện như các trường hợp khác (tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm). Ngoài ra, nếu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định yêu cầu cho lĩnh vực đặc thù (tuổi thiết bị thấp hơn hoặc cao hơn 10 năm) thì DN thực hiện theo quy định của bộ đó. Những mốc thời gian 7 năm, 10 năm được đề cập trong dự thảo thông tư vì liên quan tới vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7 đến 10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 5 năm, đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10 đến 15 năm.
Trong trường hợp bất khả kháng, DN cần nhập khẩu để duy trì sản xuất, kinh doanh, thì cần nộp hồ sơ về Bộ KH&CN để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài ra, theo Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam, về thời gian hiệu lực của thông tư, dự kiến 6 tháng sau khi thông tư được ban hành để các DN và các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.
Với các quy định tại thông tư sửa đổi Thông tư số 20, Bộ KH&CN tin rằng chắc chắn sẽ quản lý được việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu (thế hệ công nghệ cũ), có khả năng gây mất an toàn, tiêu tốn nhiều năng lượng nhiên liệu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sắp tới, Việt Nam sẽ hội nhập sâu, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do và TPP, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ. Bộ trưởng Nguyễn Quân cảnh báo, khi đó sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các nước tiên tiến. Nếu chúng ta sử dụng máy móc, thiết bị cũ quá lạc hậu sẽ không tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng, dẫn tới giá thành sẽ rất cao. Vì vậy, Bộ KH&CN khuyến cáo các DN chỉ nhập các thiết bị cũ trong trường hợp bất khả kháng và không nên nhập khẩu thiết bị quá cũ nát và lạc hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.