(HNM) - Cùng với thảo luận, quyết nghị các văn kiện, đại hội Đảng các cấp có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến hành bầu cấp ủy khóa mới. Để bảo đảm công việc này đạt kết quả cao nhất đồng thời cũng là bảo đảm tốt nhất nguyên tắc “tập trung dân chủ”, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định liên quan tới công tác chuẩn bị nhân sự cũng như về quy chế bầu cử trong Đảng. Nhờ vậy, công tác bầu cử ở đại hội Đảng các cấp tiến hành vừa qua đều bảo đảm đúng quy định, kết quả tập trung cao, góp phần tạo thành công tốt đẹp cho các đại hội.
Tuy nhiên tại một số nơi, công tác bầu cử lại có kết quả bất ngờ ngoài dự tính.
Vì sao lại có chuyện này?
Xã X là một địa phương xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản công. Chủ tịch UBND xã đã bị cơ quan công an khởi tố để điều tra. Huyện ủy tăng cường một cán bộ trẻ trong quy hoạch phát triển là đồng chí phó bí thư huyện đoàn để tham gia vào cấp ủy, dự kiến bầu làm phó bí thư đảng ủy xã. Nhưng khi bầu cử, đồng chí này không trúng vào cấp ủy. Sau khi điều bất ngờ này xảy ra, nhìn kỹ lại mới thấy việc điều động, phân công một cán bộ trẻ tới địa bàn phức tạp kéo dài lại sát đại hội là việc làm rất cần được xem xét.
Để chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng, một đồng chí bí thư đảng ủy phường P được cấp ủy điều động về tham gia cấp ủy tại phường khác trong quận. Nhưng thay vì tiếp tục làm bí thư đảng ủy, đồng chí này lại được phân công làm phó bí thư để giới thiệu với HĐND phường bầu làm chủ tịch UBND phường. Kết quả phiên họp HĐND phường sau đó đồng chí này không trúng cử làm chủ tịch. Chưa rõ là uy tín của đồng chí này so với yêu cầu công tác sẽ đảm nhận chưa được HĐND ở phường mới hiểu sâu sắc, hay do công tác nắm tình hình nội bộ chưa tốt, nhưng việc chuẩn bị về nhân sự rõ ràng là nguyên nhân chính gây nên kết quả bầu cử bất ngờ.
Bám sát thực tiễn, chuẩn bị kỹ càng, thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức đã giúp công tác bầu cử tại đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và một số đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua trên địa bàn cả nước đạt kết quả tốt. Như Ban Tổ chức Trung ương đánh giá: “Nhân sự được giới thiệu cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, được chuẩn bị kỹ theo quy trình 5 bước, số dư hợp lý nên có rất ít nhân sự được ứng cử, đề cử tại đại hội. Nhiều nơi thực hiện tốt chủ trương thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội, các đồng chí bí thư trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao, nhiều đồng chí đạt tỷ lệ 100%”.
Tuy nhiên, vẫn theo Ban Tổ chức Trung ương, do một số cấp ủy chưa làm tốt công tác điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ trước đại hội; cá biệt một số nơi còn nể nang, ngại va chạm trong chuẩn bị nhân sự, đề cử một số đồng chí ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, bí thư hạn chế năng lực, uy tín thấp tham gia cấp ủy khóa mới nên không trúng cử tại đại hội.
Kết quả bất ngờ khi bầu cử gắn liền với sự chuẩn bị trước đó!
Và ngược lại…
Nhiều năm trước, trên địa bàn Thủ đô có tới gần 200 chi bộ, đảng bộ cơ sở xuất hiện các vụ việc phức tạp và có nhiều vấn đề khó khăn cần quan tâm củng cố về tổ chức, nhân sự. Sau hơn 3 năm kiên trì đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện tốt các giải pháp theo Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 4-7-2017) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, số tổ chức Đảng cần củng cố giảm xuống chỉ còn 83 cơ sở. Dưới sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện của các cấp ủy Đảng, vừa qua toàn bộ 83/83 chi bộ, đảng bộ cơ sở này đều đã tổ chức đại hội thành công, góp phần vào kết quả chung của 2.310 tổ chức cơ sở Đảng trong Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Một đại hội Đảng sẽ chỉ thật sự là ngày hội của Đảng, của dân khi không xảy ra kết quả bất ngờ khi bầu cử!
Để bảo đảm chất lượng các cuộc bầu cử, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định… để cụ thể hóa về tiêu chuẩn, quy trình chuẩn bị nhân sự. Đáng lưu ý là Quy định số 155-QĐ/TƯ (ngày 19-12-2017) của Ban Chấp hành Trung ương “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Trong đó đã xác lập rất rõ và chi tiết một quy trình chuẩn bị nhân sự 5 bước gắn với các yêu cầu đáp ứng công việc, sự tín nhiệm của tập thể… cũng như cách thức duy trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Để chống việc “né trách nhiệm” trong công tác tham mưu nhân sự, quy định này chỉ rõ: “Cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan tham mưu; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình”.
Thực hiện đầy đủ các quy định là nguyên tắc căn cốt, là tiền đề hàng đầu để công tác chuẩn bị nhân sự mang lại kết quả bầu cử thành công.
Nói chuyện với lớp huấn luyện cán bộ khóa 5, Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “… anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình là cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”.
Lá phiếu bầu cử tại đại hội Đảng là của những đảng viên để chọn lựa những cán bộ thật sự tiêu biểu nhất về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Và còn là những người “đoàn kết cán bộ, đảng viên, được quần chúng tín nhiệm” nhất, như Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định.
Trong bài “Đạo đức công dân” đăng Báo Nhân Dân, số 320 ngày 15-1-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.
Đảng viên là những công dân ưu tú. Vậy nên, khi tham gia cuộc bầu cử trong đại hội, rất cần thể hiện quyền đảng viên của mình trong giới thiệu, đề cử nhân sự xứng đáng vào cấp ủy theo đúng quy định. Càng cần suy nghĩ sử dụng quyền trong lá phiếu của mình sao cho thể hiện cao nhất trách nhiệm trước Đảng, trước dân; và cũng là thể hiện đạo đức cộng sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.