(HNM) -
(HNM) - "Sang sông" - tác giả: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn NSƯT Anh Tú được chọn là tác phẩm mở màn liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008. Các nhân vật không tên của vở kịch đã gửi đến khán giả những thông điệp không dễ giải mã, bởi cái cách không thông thường của chúng.
Mặt nạ giả và mặt nạ thật
Một cảnh trong vở “Sang sông”. |
Có vẻ như, để tồn tại, theo cái cách của con người đương đại, thì phải ẩn mình thật kỹ - dưới một mặt nạ để ngụy trang, để mưu mô, để trục lợi... và để dùng cho hàng nghìn lý do xoay quanh việc sống. Người nghệ sỹ có cái nhìn hơi chua chát, nhưng không phải là không có lý.
Công nghệ che giấu tuyệt đỉnh của con người đã tạo ra các mặt nạ như mặt thật và dùng để thay thế hoàn toàn cho mặt thật. Đến lúc này, các diễn viên đã vứt bỏ đạo cụ mặt nạ, dùng mặt thật của mình để diễn tả con người sống với nhau như thế nào khi ngồi cùng trên một chuyến đò để "sang sông".
Giác ngộ
Vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống khiến con người hôm nay căng mình bận rộn với những toan tính. Và đôi khi cùng những toan tính con người đã gây ra tội ác, còn bản thân mình nhận về những tổn thương của dục vọng. Giác ngộ đểlành thiện, để yêu thương, để thư tâm, để an nhàn sống...
"Sang sông" đã diễn tả nhóm người trên một chuyến đò giác ngộ. Một nhà giáo ưu tú về hưu cùng những hoài vọng về cá nhân, một thiếu phụ quá lứa và đứa con không thuần Việt về từ trời Tây, một nhà thơ không thành danh, một vị sư chưa tròn đạo, một tướng cướp, một thầy một tớ kẻ buôn đồ cổ đồng thời là cán bộ thuế vụ, một đôi thanh niên yêu nhau say đắm và cô lái đò khỏe khoắn, nặng lòng với bến sông. Họ cùng nhau sang sông. Thế rồi, những người đã ra đi thì linh hồn được siêu thoát, những người còn sống thì được giác ngộ và cùng nhau quay trở lại không bước lên miền đất Phù Vân danh lợi. Họ đã thức tỉnh - giác ngộ.
Khán giả có cùng "sang sông"...?
Là tác phẩm mang tính luận đề với những trăn trở về chiều sâu, về giá trị đích thực của đời sống con người cùng yếu tố thử nghiệm cần thiết ở nghệ thuật,"Sang sông" đã gửi tới khán giả thông điệp hướng con người tới bến đỗ nhân bản: Chân - Thiện - Mỹ.
Tuy nhiên, ở thời điểm tạm gọi là giai đoạn đầu của thử nghiệm sân khấu, tác phẩm sẽ khá kén khán giả vì không phải ai cũng quen ngay với cách mà vở diễn thể hiện.
"Sang sông" đã thành công ở việc diễn tả và diễn tả theo cách mới các mảng hiện thực cuộc sống. Nhưng giá như có thêm thời gian cho phần kết để không khí lành thiện thân ái của sự giác ngộ được lan tỏa đến với khán giả thì vở diễn sẽ thực sự đủ đầy. Và chắc chắn khán giả sẽ toàn tâm để "sang sông" cùng tác phẩm.
Lương Hoàng Thi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.