Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để học sinh lơ mơ về cội nguồn dân tộc là có tội với tổ tiên, với vận mệnh đất nước

Hoàng Thu Vân| 06/12/2015 06:38

(HNM) - Trong ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội quyết nghị khẳng định môn Lịch sử vẫn giữ trong chương trình phổ thông với tư cách môn độc lập - sức nóng của dư luận lập tức được giải tỏa.

Trong ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội quyết nghị khẳng định môn Lịch sử vẫn giữ trong chương trình phổ thông với tư cách môn độc lập - sức nóng của dư luận lập tức được giải tỏa. Trở lại với vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS Phạm Xuân Hằng.


Cách làm, cách nói khiến dư luận dị nghị

- Thưa ông, là người trong nghề, ông đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò của môn Lịch sử trong nền giáo dục?

- Cần nhìn nhận môn Lịch sử là môn khoa học cơ bản của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Vị trí, vai trò của môn Lịch sử trong nền giáo dục quốc dân là xây dựng con người và phục vụ con người. Hoàn cảnh đất nước trong suốt chiều dài lịch sử luôn đối mặt với thách thức của nạn ngoại xâm và thiên tai. Không học và không nắm vững lịch sử làm sao biết được diễn trình đấu tranh với thiên tai, địch họa của cha ông qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Coi nhẹ lịch sử mang lại hậu quả là vô tình, vô cảm với ý chí, bản lĩnh của cha ông, mất đi những tố chất để bồi đắp lòng tự tôn, tự hào dân tộc và cũng sao thấy được lịch sử, văn hóa là một nguồn lực, một sức mạnh truyền thống đã làm nên văn hiến dân tộc, mà các thế hệ hôm nay có bổn phận giữ gìn và tiếp tục nhân lên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cùng với các môn xã hội - nhân văn khác, chính môn Lịch sử có nhiều cơ sở định hướng, bồi đắp cho học sinh những tố chất hình thành nhân cách sống một cách tự giác. Phải chăng, nếu để học sinh tốt nghiệp phổ thông vẫn lơ mơ về cội nguồn dân tộc mình là có tội với tổ tiên, với vận mệnh dân tộc?

- Một quan chức cao cấp của Quốc hội cho rằng “Kể cả môn Lịch sử có còn hay không, đó cũng không phải là mục tiêu của một nền giáo dục” và “Chúng ta không cần sinh viên chúng ta giỏi sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với Tổ quốc, xã hội, hiểu được truyền thống dân tộc”. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến đó?

- Có lẽ quan điểm nêu trên đã củng cố “niềm tin tích hợp” của Bộ GD-ĐT và Ban biên soạn chương trình. Tôi cho rằng đó là phát ngôn “ấn tượng” trong năm 2015. Ý kiến đó đã làm cho giới nghiên cứu lịch sử và các nhà giáo dạy sử ở bậc học phổ thông của chúng ta giật mình, không thể tin được. Không còn môn Lịch sử thì giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước ra sao? Không nắm được lịch sử dân tộc vững vàng thì biết đâu là đất, đâu là nước của mình mà yêu? Hiểu truyền thống dân tộc trên cơ sở tri thức khoa học nào, nếu không phải là khoa học lịch sử? Xét cho cùng, rõ ràng phát ngôn này mang đậm sắc thái siêu hình.

- Ông vừa nêu cụm từ “niềm tin tích hợp”. Về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định “đã làm thí điểm có kết quả tốt”. Phải chăng dư luận xã hội chưa đặt “niềm tin” vào những người có trách nhiệm trong công việc này của Bộ GD-ĐT và Ban soạn thảo?

- Thông tin nêu trên mới dừng ở lời nói, lâu nay có ai biết đâu. Giá như lãnh đạo Bộ GD-ĐT công khai thí điểm bao giờ, ở trường nào, bậc phổ thông nào, bài giảng tích hợp như thế nào, giáo viên chuyên môn nào giảng môn Công dân với Tổ quốc? Cách làm, cách nói như thế làm dư luận sao không dị nghị được. Giá như Bộ GD-ĐT mời giáo viên đã dạy thí điểm đến hội thảo trình bày, chắc thuyết phục hơn là vừa qua tranh luận như cãi vã nhau.

- Thưa ông, thực chất phương án tích hợp cũng không phải là một cái gì đó quá mới mẻ. Nếu tích hợp mà đạt hiệu quả giáo dục tốt thì là giải pháp tốt. Việc tích hợp cũng đã được thực hiện ở bậc đào tạo đại học, nay có thực hiện ở bậc giáo dục phổ thông cũng là chuyện bình thường?

- Ở bậc đào tạo đại học cũng đã tích hợp nhưng chỉ trong phạm vi của một môn, như môn Triết học Mác - Lênin, nay tích hợp lại thành “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phần I và II có tổng số 5 tín chỉ”, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” nay tích hợp trong môn “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, có 3 tín chỉ. So với chương trình cũ, thời lượng đã giảm được một nửa. Thực chất là tổng hợp những nội dung cốt lõi mà vẫn bảo đảm tính hệ thống của một môn học dưới tên gọi khác mà thôi.

Bộ GD-ĐT không tiến hành nghiên cứu cơ bản để xác định môn nào cần tích hợp, môn nào không, mà với ý chí của mình, đã chỉ đạo cải cách chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp các môn thành tên gọi mới, có tên mới phù hợp, có tên mới rất khiên cưỡng. Dùng tích hợp là cái mới để tái cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông chỉ dựa trên ý chí, chưa có thí điểm để đánh giá từ thực tế là thiếu bước đi thận trọng cần thiết.

Không phải cứ tích hợp là... đổi mới

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Thưa ông, đó có phải là nguyên nhân dẫn đến nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản ứng gay gắt, quyết liệt với chủ trương của Bộ GD-ĐT?

- Tôi cho rằng, cơ quan chủ quản thực sự thiếu dân chủ khi triển khai hoạch định một chính sách quan trọng, nhất là khi giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, liên quan đến mọi nhà, liên quan đến tương lai của nhiều thế hệ, của dân tộc, mà người dân và giới chuyên môn không được tường minh, không được tham gia ngay từ đầu nên bị cuốn hút vào cái kết quả định sẵn của Bộ chủ quản. Có thể nhận diện những thiếu sót của Bộ GD-ĐT qua một số điểm chủ yếu sau:

- Thứ nhất, cần đánh giá, làm rõ được hiện trạng của chương trình, nội dung sách giáo khoa, phương pháp truyền thụ của giáo viên đối với từng môn. Trên cơ sở đó, cần đổi mới những vấn đề gì đối với từng môn. Những môn nào cần tích hợp, những môn nào không thể và phải đổi mới cái gì và như thế nào. Dường như, khâu này Bộ không thực hiện mà đi thẳng vào tái cấu trúc chương trình theo tích hợp một số môn với nhau, coi tích hợp là phương thức duy nhất để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nhân danh đổi mới để tích hợp. Ai không theo tích hợp là không đổi mới. Đó là nhãn quan phi tính lịch sử cụ thể, là lười tư duy hay duy ý chí, cửa quyền?

- Thứ hai, khi đưa ra phương án tích hợp, Bộ không trình dự thảo nguyên tắc, nội dung, phương pháp tích hợp để triển khai và định hướng biên soạn sách giáo khoa. Thêm vào đó, không có phương án chuẩn bị đội ngũ giáo viên như thế nào, đồng thời khi chương trình toàn tích hợp thế thì kết cấu ngành nghề của các trường sư phạm ra sao. Nhìn chung, những vấn đề liên quan hệ thống không được đề cập, hệ quả chỉ có vẻn vẹn một chương trình biệt lập, đơn độc, chơi vơi. Thế nên, những người phản biện cũng chẳng biết hệ thống đổi mới căn bản, toàn diện có mô hình thế nào nên chỉ tập trung vào vấn đề môn Lịch sử.

Những nội dung nêu trên còn thiếu vắng trong quá trình hoạch định chính sách vô cùng quan trọng của Bộ GD-ĐT. Và hoạch định một chính sách lớn lại không theo một quy trình bài bản, không công khai kết quả thí điểm, thêm vào đó những người ủng hộ lại có những phát biểu thiếu chín chắn là nguyên nhân dẫn tới tranh luận “tưng bừng khói lửa” như vừa qua. Qua cách thức ứng xử với môn Lịch sử ở bậc phổ thông, thấy rõ quá trình hoạch định chính sách của Bộ GD-ĐT thiếu tính hệ thống, mất dân chủ, duy ý chí, thiếu nhãn quan lịch sử cụ thể trong một vấn đề cụ thể, xa rời thực tiễn nước nhà và vận dụng kinh nghiệm quốc tế chưa đầy đủ.

- Đổi mới cần kế thừa những cái đã và đang có giá trị, nhưng nếu nhất thiết phải có tiền lệ mới làm thì không phải đổi mới, thưa ông?

- Đúng vậy, song tôi cho rằng hình như trong Ban soạn thảo có người không nắm được vị trí, vai trò của môn Lịch sử trong việc hình thành nhân cách của con người làm chủ đất nước. Do đó có những câu nói thật thà, vô tư, thậm chí là ngây thơ khi cho rằng, tại sao môn Sinh tích hợp được với môn Hóa, còn Lịch sử lại không? Câu hỏi ấy làm một giáo viên trung học cơ sở ngơ ngác hỏi tôi: Sao họ lại hỏi thế thầy ơi? Tôi nói, người ta không biết thì hỏi chứ sao!

- Từ những vấn đề nêu trên, ông có kiến nghị gì đối với Bộ GD-ĐT?

- Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai xây dựng dự thảo các nguyên tắc, phương pháp và nội dung tích hợp những môn tích hợp. Bên cạnh đó cần làm rõ phương pháp tích hợp như thế nào? Chọn lựa nội dung nào của các môn liên quan để tích hợp và tích hợp những nội dung ấy như thế nào? Chương trình tích hợp đụng chạm đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông ra sao và Bộ GD-ĐT ứng xử như thế nào? Cuối cùng, thực hành dân chủ hóa trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là phát huy trí tuệ xã hội, nhất là đối với đội ngũ trong cuộc. Đặc biệt, triển khai Nghị quyết của Quốc hội một cách nghiêm chỉnh, sáng tạo và thông minh.

Nội dung, phương pháp giảng dạy chưa hấp dẫn

- Thực tế thập kỷ qua cho thấy, số học sinh không thích học môn Lịch sử tăng lên rất nhiều, kết quả học tập môn Lịch sử của học sinh rất thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân không phải môn Lịch sử không hấp dẫn, mà nội dung và phương pháp dạy lịch sử chưa hấp dẫn mà thôi. Nội dung sách giáo khoa hiện quá ôm đồm, nặng về dạy nhớ sự kiện quá chi tiết, không có nội dung và phương pháp kích thích năng lực tư duy sáng tạo của học sinh từ thấp đến cao. Vì thế, cần tập trung trí tuệ để tích cực đổi mới biên soạn sách giáo khoa và phương pháp dạy cho học sinh, sao cho môn Lịch sử được trang bị cho học sinh theo hướng tạo năng lực chủ động tư duy về những vấn đề cốt lõi được xâu chuỗi trong hệ thống tiến trình lịch sử dân tộc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chứ không quá nhấn mạnh lịch sử chiến tranh, lịch sử cách mạng. Điều cốt yếu nữa phải coi môn Lịch sử là môn bắt buộc trong đánh giá tốt nghiệp phổ thông.

- Thưa ông, vì sao những bức xúc, lo lắng của dư luận xã hội vừa qua lại chỉ diễn ra chủ yếu ở môn Lịch sử, trong khi môn Lịch sử không phải là môn học duy nhất đối mặt với hoàn cảnh tách, nhập trong chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Điều căn bản khiến nhiều người trăn trở chính là những hệ quả tiêu cực của những điều chỉnh trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với sự trưởng thành của thế hệ trẻ, những chủ nhân của đất nước trong tương lai.

- Tại kỳ họp thứ mười, khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu “Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Nói cách khác, “số phận” môn Lịch sử đã được quyết định, đó là vẫn được giữ trong chương trình phổ thông với tư cách môn độc lập. Vậy theo ông, công việc tiếp theo cần triển khai là gì?

- Có thể thấy, sự bức xúc của dư luận đã được giải tỏa. Giới sử học và những người có trách nhiệm vui mừng vì đã góp phần giữ lại được vũ khí cho biết bao thế hệ người Việt Nam trong tương lai để trau dồi, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, biết tự hào, tự tôn dân tộc mà đóng góp, cống hiến sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công việc còn lại là chung tay cùng Bộ GD-ĐT thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trọng tâm là đổi mới căn bản việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử và phương pháp dạy môn Lịch sử ở bậc học phổ thông, sao cho môn học súc tích, dễ nhớ, tạo sự say mê, cuốn hút học sinh, để học sinh biến giờ học trên lớp thành giờ cùng nhau tự học dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo. Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT nên lắng nghe những tiếng nói phản biện để có quan điểm nhìn nhận môn Lịch sử là một trong những môn cơ bản của khoa học xã hội và nhân văn mà coi nó là một môn bắt buộc. Đó là nhãn quan chiến lược, nhãn quan yêu nước để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.

- Được biết ngày 27, 28 và 29-11, Bộ GD-ĐT triển khai các môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội thí điểm ở Thừa Thiên Huế. Ông nhận xét thế nào về công việc này?

- Đáng ra cơ quan chủ quản phải làm thí điểm để lấy kết quả trước khi đưa ra quyết định tích hợp hay không. Đằng này lại triển khai vội vàng, lấp chỗ thiếu. Vậy mà, trong một hội nghị, một vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói đã làm thí điểm, kết quả tốt. Làm thí điểm có kết quả tốt sao giờ làm thêm cho tốn kém? Thế là không đàng hoàng. Có lẽ Bộ GD-ĐT nên tôn trọng nghị quyết của Quốc hội đối với vị trí của khoa học lịch sử đối với nền giáo dục, không để dư luận dị nghị về sự cố chấp.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để học sinh lơ mơ về cội nguồn dân tộc là có tội với tổ tiên, với vận mệnh đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.