(HNM) - Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ các thương hiệu lớn của nước ngoài bị làm giả, mà tình trạng nhái và làm giả hàng hóa thương hiệu trong nước cũng xuất hiện ngày một nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng (NTD).
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện có tới gần 90% hàng Việt Nam chất lượng cao tại các chợ truyền thống bị làm giả. Thực trạng này khiến cho hàng Việt khó tìm được chỗ đứng tại các chợ truyền thống.
80% lượng hàng hóa được tiêu thụ tại các chợ truyền thống.Ảnh: Bảo Lâm
Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, ở nước ta có gần 9.000 chợ truyền thống và 80% lưu lượng hàng hóa được luân chuyển qua kênh phân phối này, đây là kênh phân phối hữu hiệu cho hàng Việt cũng như thực hiện sâu rộng, lan tỏa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tuy nhiên, nhiều DN "nội" vẫn chưa khai thác có hiệu quả kênh phân phối quan trọng này, lý do chính là kênh phân phối này đang xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái... Khảo sát mới nhất của ngành chức năng cho thấy, ở các chợ truyền thống, hàng Việt chất lượng cao chiếm tỷ trọng rất thấp so với hàng hóa có xuất xứ từ các nước láng giềng (kể cả hàng chính hãng lẫn nhái nhãn mác...). Chợ Đồng Xuân (Hà Nội); Bến Thành, An Đông, Sài Gòn Square... (TP Hồ Chí Minh) là "thiên đường" của hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái. Tất cả các thương hiệu, từ có tên tuổi đến các sản phẩm có đăng ký như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, văn hóa phẩm giả được sản xuất rất tinh vi, nếu không có sản phẩm thật để đối chiếu hay nhà sản xuất nhận diện, hàng nhái rất dễ qua mặt ngành chức năng cũng như NTD.
Tại sao những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng có xuất xứ từ Trung Quốc lại có mặt ở các chợ nói trên nhiều đến thế? Câu trả lời là có lẽ những loại hàng này luôn hướng tới đối tượng người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Trên thực tế, với phần lớn người dân Việt có mức thu nhập thấp, NTD rất quan tâm đến giá hàng hóa, chỉ cần chênh lệch vài ngàn đồng/sản phẩm là NTD sẵn sàng chuyển sang mua hàng rẻ hơn. Ngoài ra, việc thiết lập mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hàng Việt còn hạn chế; việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cũng như quản lý hàng hóa tiểu ngạch từ Trung Quốc chưa tốt, khiến hàng giá rẻ tràn vào thị trường trong nước cũng là nguyên nhân khiến DN "nội" mất cơ hội đưa hàng đến NTD. Hiệp hội Tiêu dùng cho biết, cứ 10 người mua hàng có tới 6 người mua phải hàng giả. Trả lời về vấn nạn này, các bên đều cho rằng, nguyên nhân chính là ở nước ta có nhiều DN nhỏ và vừa làm ăn không đàng hoàng, sản xuất những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, DN có tâm lý "sống chung" với hàng giả, phó mặc cho ngành chức năng, đồng thời cố gắng duy trì kênh phân phối chính thức của mình tại hệ thống siêu thị hoặc kênh phân phối trực tiếp. Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện có 90-96% hàng hóa trong các siêu thị là hàng Việt, trong khi ở chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa lại chỉ có khoảng 10-60% hàng Việt (tùy chợ).
Nhưng tại sao kênh phân phối truyền thống với gần 9.000 chợ trên địa bàn cả nước lại bị hầu hết các DN "nội" thờ ơ để chợ đang dần trở thành nơi "tập kết" của hàng giả? Đại diện một DN chuyên sản xuất bánh kẹo cho rằng, công ty chỉ sản xuất theo đơn hàng ở siêu thị, không đưa hàng vào chợ chỉ vì không thể để sản phẩm của mình mang tiếng là hàng... chợ. Còn nếu đưa hàng vào chợ cũng đồng nghĩa với việc tự hạ đẳng cấp sản phẩm của mình? Cùng quan điểm, đại diện Công ty May Việt Tiến chia sẻ, dù chợ truyền thống chiếm thị phần lớn, nhưng DN chưa có ý định đưa hàng vào chợ. Bởi hàng Việt Tiến ở một phân khúc khác của thị trường bán lẻ, việc phân phối sai phân khúc sẽ gây ra hậu quả khôn lường về kinh tế cũng như uy tín thương hiệu. Tương tự, các thương hiệu FOCI, Việt Thy... chia sẻ, chợ chưa phải là kênh phân phối mà DN của họ hướng tới...
Như vậy, DN không muốn đưa hàng vào chợ có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của một kênh phân phối với điều kiện cơ sở vật chất chưa cao, thiếu thẩm mỹ trưng bày, tính thanh khoản thấp, không ổn định về giá. Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan, sự hợp tác của DN và tư thương, việc nâng cấp và biến chợ truyền thống thành một kênh phân phối uy tín đối với không chỉ các DN vừa và nhỏ mà cả các "đại gia" hàng Việt sẽ đạt hiệu quả lớn, bởi nếu bỏ qua kênh phân phối truyền thống, sân chơi chiếm thị phần lớn này sẽ thuộc về hàng giả, hàng lậu.
Để đưa hàng Việt về thị trường chợ truyền thống, các DN cần chủ động mở thêm đại lý phân phối. Nhà sản xuất nên giao cho tiểu thương tại các chợ đầu mối phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn, vì họ đã có sẵn đầu mối tại các chợ. Việc làm này sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực khi mở đại lý tại các địa phương. DN cũng nên chú trọng đến phân khúc thị trường theo sức mua, khả năng thanh toán và thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhiều tầng tại chợ truyền thống, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.