Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hàng nội “giữ chân” người tiêu dùng

Thắng Ngọc| 15/02/2012 06:56

(HNM) - Sau hơn hai năm thực hiện, đến nay cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Hàng nội đang từng bước lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, tình trạng hàng nhái, loạn giá... của chính nhãn mác "Made in Vietnam" lại đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Siêu thị BigC là một trong những nơi bán nhiều sản phẩm quần áo nội địa. Ảnh: Khánh Nguyên

Thời gian gần đây, cùng với các thương hiệu may mặc khá nổi tiếng trong nước, như May 10, Việt Tiến... các thương hiệu thời trang mới như Ninomaxx, N&M, Genova… cũng đang phát triển, xây dựng hình ảnh và chỗ đứng trên thị trường nội địa. Ngược dòng thời gian, những năm trước, để có được bộ quần áo thời trang, NTD phải tìm đến những thương hiệu có xuất xứ từ nước ngoài, thì nay các DN nội đã chú trọng đến thị trường trong nước và coi đây là thị trường tiềm năng để khai thác. Vì thế, trên thị trường nội, ngày càng nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, chất lượng đã được cải thiện đáng kể và giá cả đã hợp lý hơn. Không chỉ ở trung tâm thành phố, mà ở vùng nông thôn, hàng Việt cũng đã dần dần khẳng định được chỗ đứng, thay thế dần các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc vốn lâu nay đã chiếm lĩnh thị trường. Dạo quanh một vòng trên địa bàn Hà Nội, số lượng cửa hàng, đại lý treo biển "Made in Vietnam" đã lên đến hàng nghìn. Bên cạnh đó, nhiều nhãn hàng đã có thương hiệu như Genova, Mango… số lượng cửa hàng cũng tăng lên chóng mặt. Ngoài mẫu đẹp, chất liệu tốt, giá sản phẩm của những thương hiệu này cũng phù hợp với phần lớn túi tiền của NTD. Chẳng hạn, hệ thống bán quần Jeans Genova có giá từ hơn 190.000 đến hơn 300.000 đồng/chiếc (tùy loại), sản phẩm áo sơ mi Mango có giá từ hơn 200.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/chiếc (tùy loại)… Tại các siêu thị BigC, Fivimart, Co.op Mart, Intimex... đã bán tới 96% các sản phẩm nội, trong đó quần áo thời trang cơ bản do các DN trong nước sản xuất. Ở Hà Nội cũng xuất hiện nhiều điểm bán hàng ở trong các ngõ nhỏ trên các phố lớn như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào... chuyên bán các loại sản phẩm truyền thống như các loại quần áo tơ tằm, đông xuân. Chị Nguyễn Thị Liên, chủ một cửa hàng bán quần áo tơ tằm tại phố Hàng Gai cho biết, sản phẩm ở cửa hàng của chị đều do những người thợ lành nghề của Thủ đô làm ra. Khách đến mua hàng chủ yếu là người nước ngoài và một số NTD Việt khá sành. Bởi, sản phẩm được làm từ tơ tằm tương đối "khó tính" khi sử dụng...

Tuy nhiên, trên thị trường, nạn hàng nhái mác "Made in Vietnam" đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều chiêu "lách" tinh vi mang tính chộp giật đã xuất hiện ở không ít cửa hàng và tình trạng yếu kém trong quản lý của cơ quan chức năng ngày càng lộ rõ… Thực tế cho thấy, những mặt hàng nào bán chạy, thì khả năng bị nhái càng cao. Khi NTD trong nước quan tâm đến hàng may mặc nội xuất khẩu, thì nhiều điểm bán hàng nhái mẫu mã, có nơi còn bán hàng có xuất xứ từ Trung Quốc trà trộn vào với hàng Việt. Thậm chí, có mã hàng là của thương hiệu khác đã được nhãn "Made in Vietnam" dán đè lên. Khi mua hàng, NTD không để ý sẽ bị lừa. Đó là chưa kể tình trạng cùng loại sản phẩm, giá bán mỗi nơi một khác đã gây bức xúc cho NTD. Chị Thanh Nga ở Định Công cho biết đã mua chiếc áo nỉ cho đứa con 7 tuổi tại một cửa hàng "Made in Vietnam" trên phố Thái Hà với giá gần 200.000 đồng và cũng trong ngày đó chị đi qua phố Bà Triệu vào một cửa hàng "Made in Vietnam" cũng chiếc áo mua cho con lúc trước giờ giá bán chỉ hơn 110.000 đồng (chênh tới gần 100.000 đồng). Không riêng chị Nga, không ít người đã lâm vào cảnh như vậy.

Lý giải cho tình trạng này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, do không bị kiểm duyệt, có tiền là mở cửa hàng bán với giá tùy thích (nếu phải thuê cửa hàng giá bán sẽ cao hơn, nếu không phải thuê cửa hàng giá bán sẽ "mềm" hơn). Thích lấy thương hiệu gì để gán vào cho loại sản phẩm nào cũng được... Đó là tình trạng đáng báo động của thị trường tiêu dùng ở nước ta hiện nay. Nếu như các DN sản xuất hàng có thương hiệu trong nước và ngành chức năng không sớm vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng trên, NTD sẽ ngoảnh mặt, quay lưng với hàng nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hàng nội “giữ chân” người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.