Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội ngày một đẹp hơn

Nhóm PV PSĐT| 12/04/2014 06:42

LTS: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ. Năm 2014 đã được thành phố xác định trọng tâm là


Khi người dân có ý thức, thành phố sẽ ngày càng sạch, đẹp hơn. Ảnh: Lại Diễn Đàm



Bài 1:Phai nhạt “tinh thần Tràng An”

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", câu nói ấy là lời khẳng định về truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Những giá trị ấy xứng đáng được trân trọng và giữ gìn. Thế nhưng, trong guồng quay hối hả của cuộc sống đô thị hóa, những nét đẹp tinh thần ấy đang dần phai mờ. Và có lẽ, cũng đã đến lúc mỗi người Hà Nội cần phải nhìn nhận lại, tự soi vào mình để thấy được những nét văn hóa lai căng, xô bồ đã và đang làm tổn hại đến những giá trị truyền thống...

Đề cao lợi ích cá nhân

Hình ảnh quen thuộc và dễ gặp nhất ở những nơi công cộng có lẽ là sự chen lấn, xô đẩy khi tham gia giao thông, trong bến xe, bến tàu, sân bay, trước các quầy thanh toán trong siêu thị, trước các cây ATM… hay thậm chí là hành xử phản cảm để tranh giành một suất shusi hay nhận một chiếc mũ bảo hiểm miễn phí… Tất cả những hình ảnh đó đã tạo ra bức tranh không đẹp và thiếu văn minh về tính cộng đồng của người Hà Nội. Đứng đợi để rút tiền ở một cây ATM gần Trường Đại học Khoa học tự nhiên trong những ngày cuối tháng, mặc dù những người đến trước vẫn đang xếp hàng dài chờ đợi nhưng thỉnh thoảng lại có một người "tự nhiên" chen ngang vào vị trí ngay đầu tiên, bất chấp những cái nhìn khó chịu của người khác. Những con người ấy không đến mức không nhận thức được hành vi của mình là thiếu lịch sự, thế nhưng họ vẫn làm. Nguyên nhân có lẽ là do tâm lý ngại đợi lâu và miễn sao được việc của mình.

Vỉa hè bị sử dụng cho mục đích khác đã làm tổn hại đến hình ảnh văn minh của Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt



Ra đường vào giờ cao điểm, chúng ta sẽ được "sở kiến" thế nào là văn hóa xếp hàng khi tham gia giao thông ở Hà Nội. Tuyến đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến ngã tư giao cắt với đường Lê Văn Lương), lòng đường khá rộng lại có cả đường trên cao. Tuy nhiên, mỗi khi đoạn đường này xảy ra ách tắc thì người đi đường lại lái xe "trèo" cả lên vỉa hè để đi "chung" với người đi bộ. Mặc dù biết rằng có nhanh hơn một chút cũng chẳng thể đi trước được, thế nhưng, có lẽ mỗi người đều suy nghĩ "càng leo lên trên để đứng trước người khác càng tốt". Tình trạng không xếp hàng trong tham gia giao thông, xe nọ tranh, cướp phần đường của xe kia rồi phóng nhanh vượt ẩu luôn thường trực trên các tuyến đường. Và có lẽ cũng chính vì sự không xếp hàng khi tham gia giao thông này mà nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Một chút lợi ích cá nhân từ việc nhanh và "được việc" ấy đôi khi đã dẫn đến sự thiếu ý thức trong văn hóa. Vứt rác, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, sạch mình bẩn người cũng chỉ từ một chút "tiện tay". Trên những con phố gần các trường học, bệnh viện… các cô, các bác lao công phải đi lại liên tục mới có thể giữ được sự sạch sẽ cho vỉa hè. Thế rồi, từ việc tiện tay đã dẫn đến "tiện" một số thứ khác. Trên những tuyến đường mà vỉa hè còn chưa hoàn thiện bởi những công trình xây dựng đang thi công như đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Trung Kính, không ít lần tôi đã bắt gặp cảnh tượng một nam thanh niên đột nhiên đỗ xịch chiếc xe máy vào sát lề đường rồi ra khỏi xe, lên vỉa hè và quay mặt vào hàng rào chắn bằng tôn của công trình xây dựng… Thậm chí, cả những lái xe buýt khi về bến trên đường Yên Phụ, dù nhà vệ sinh công cộng không xa, nhưng vẫn thản nhiên cho "ra" ngay đầu mũi xe bất chấp dòng người qua lại. Họ vô tư quét dọn sàn xe, hất từng đống cuống vé trắng xóa xuống thảm cỏ mà nhân viên Công ty Cây xanh vừa dọn dẹp sạch sẽ…

Tôi nhớ mãi một lần gần đây, khi cùng một người bạn ăn bún chả trên phố Lý Quốc Sư, có một em bé rất dễ thương khoảng 9-10 tuổi đi cùng người lớn đến mua bún chả. Vì quán hôm đó khá đông, hai cô cháu phải đợi. Nhưng mới đợi được khoảng 5 phút thì em bé đó vừa nhổ bọt vừa nói với người đi cùng: "Cô ơi mình đi về đi. Lần sau không mua ở quán này nữa. Mình là người có tiền mà, thiếu gì quán bún chả...". Cái cốt của văn hóa ứng xử chính là giáo dục. Thế nhưng, chúng ta không thể đặt hết trách nhiệm nặng nề này lên vai của nhà trường hay xã hội. Giáo dục trong gia đình mới chính là cốt yếu nhất, là nền tảng, là cái nôi cho sự phát triển nhân cách của mỗi con người. Em bé kia mới chỉ 9-10 tuổi, em học cách hành xử ấy ở đâu nếu không phải từ bố mẹ, anh chị và những người thân của mình? Nếu gia đình em không giàu có và những người xung quanh em không "buông lỏng" trong văn hóa ứng xử thì có lẽ em đã không vô tình "học" được những câu nói này?

Khủng hoảng những giá trị đích thực

Văn hóa ứng xử, hiểu một cách đơn giản nhất chính là mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Hành vi ứng xử văn hóa chính là sự thể hiện ra bên ngoài của những giá trị văn hóa, đạo đức và nhân cách trong mỗi con người. Nói như vậy để hiểu được rằng đạo đức, nhân cách của con người sẽ ra sao nếu văn hóa ứng xử của họ bị xuống cấp, khủng hoảng nghiêm trọng. Ở chốn Hà thành mà hàng xóm láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau" coi nhau như người dưng. Sống trong cùng một khu chung cư, gặp nhau ở cầu thang máy mỗi ngày, vậy mà cũng chẳng ai chào hỏi nhau đến một câu! Sự lạnh lùng, vô cảm có mặt ở khắp mọi nơi. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta đang mất dần những lời "cảm ơn", "xin lỗi", thay vào đó là hàng loạt những lời lẽ thô tục. Nói tục, chửi thề đang trở thành một thói quen "thời thượng" của một bộ phận không nhỏ người Hà Nội. Hiện tượng này quen thuộc tới mức ta có thể bắt gặp ở mọi nơi: trên đường, tại các điểm vui chơi giải trí, quán bar, hay thậm chí là trong gia đình, trường học. Và kết quả là "từ điển" tiếng Việt đã không ngừng được "mở rộng". Theo thời gian, danh sách những tiếng lóng được sử dụng và lạm dụng ngày một dài ra.

Giọng nói nhỏ nhẹ, dễ nghe, trang phục trang nhã, lịch sự… tất cả những yếu tố tạo nên nét đẹp của con người Hà Nội một thời nay đang dần "vắng bóng". Những giá trị văn hóa đích thực đang bị buông lỏng. Con người ta sống cẩu thả với hành vi ứng xử của chính mình. "Người Việt chửi nhau như hát hay", câu nói này giờ đây có lẽ đúng nhất trong "văn hóa chợ" của Hà Nội. Chẳng mấy khi đi chợ mà không thấy cảnh người ta to tiếng với nhau, cãi chửi nhau. Mà "động cơ" để người ta chửi nhau cũng rất đơn giản. Đôi khi chỉ là chuyện người nọ quệt xe vào người kia, chuyện giành giật khách hàng hay là chuyện kì kèo mặc cả "không thành công" giữa người bán và người mua… Và cứ thế là họ chửi nhau, chửi cho đến khi nào có một người chịu thua mới thôi. Còn nếu không, họ sẽ xông vào đánh nhau "như một điều tất yếu". Sau một vài năm sống ở Hà Nội, những người đi chợ "thông thái" chắc chắn đã "đúc rút" ra kinh nghiệm đi chợ cho riêng mình: Đã chọn là mua, đắt rẻ cũng phải mua, tuyệt đối tránh chê bai hay đứng dậy đi ra hàng khác… nếu không muốn rước những phiền toái không đáng có vào người.

Người Hà Nội xưa thích sự gọn gàng, trang nhã trong cách ăn mặc. Đẹp nhưng kín đáo, lịch sự, không cầu kì, lòe loẹt, không phô trương. Họ bảo vệ văn hóa dân tộc trong trang phục. Ra phố, nhất là vào mùa hè, hẳn chúng ta đã quá quen mắt với hình ảnh những chàng trai, cô gái mang trên mình những bộ trang phục mỏng tang, te tua, hở hang, cũn cỡn; các chị, các cô thì váy ngắn xẻ "hết cỡ", hở dưới, lộ trên trông rất phản cảm. Văn hóa đi liền với sự hội nhập, nhưng hội nhập đến mức trông chẳng giống ai, lố bịch như vậy thì thật đáng để suy ngẫm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội ngày một đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.