(HNM) - Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội chỉ còn 1,16% - về đích sớm hai năm so với chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND thành phố khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Đạt được kết quả trên là nhờ chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã rà soát và ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tặng quà cho hộ nghèo xã An Phú, huyện Mỹ Đức. |
Ban hành chính sách kịp thời
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, HĐND thành phố đã ban hành nhiều chính sách theo thẩm quyền như quy định về trợ cấp hằng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động là thành viên trong gia đình thuộc hộ nghèo trên địa bàn thành phố tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND; quy định hỗ trợ 100% đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người bị bệnh phong trên địa bàn thành phố đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội từ ngân sách thành phố tại Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND... Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã ban hành 5 quyết định về thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, tiêu biểu như Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của thành phố giai đoạn 2016-2020 mở rộng đối tượng được giúp đỡ hơn so với tiêu chuẩn Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quyết định số 4055/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố; Quyết định 9020/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đến năm 2020…
Không chỉ ở cấp thành phố, chính quyền các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giảm nghèo hằng năm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong đó, một số quận, huyện như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Quốc Oai ban hành đề án giảm nghèo bền vững, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2018, thành phố đã bố trí ngân sách hơn 6.380 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, 2.015 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn giải quyết việc làm; hơn 3.515 tỷ đồng thực hiện trợ cấp, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố phối hợp với chính quyền cùng cấp, các tổ chức thành viên vận động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng những chính sách phù hợp và sự chung tay của cả cộng đồng, đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 1,16%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 (cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố là 1,69%). Đến nay, toàn thành phố có 4 quận không còn hộ nghèo gồm: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình và Thanh Xuân.
Chủ động, sáng tạo trong triển khai
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện giảm nghèo của địa phương trước hết là giúp hộ nghèo tự nhận thấy cần phải thoát nghèo, không trông chờ trợ cấp của Nhà nước - đó mới thực sự giảm nghèo bền vững. Với phương thức tác động để các hộ nghèo vươn lên, quận Thanh Xuân đã trích ngân sách 3 tỷ đồng cho các hộ vay vốn giải quyết việc làm thông qua các tổ chức chính trị - xã hội; vận động ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" được gần 3 tỷ đồng nhằm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng quà người nghèo. Đặc biệt, năm 2018, quận Thanh Xuân còn tổ chức hội chợ việc làm, giúp những hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo tìm kiếm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống. “Năm 2019, quận tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ những hộ gia đình vừa thoát nghèo, quyết tâm không để tái nghèo”, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định.
Quận Ba Đình cũng là địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2018, trên địa bàn quận còn 435 hộ nghèo, nhưng đến cuối năm đã không còn hộ nghèo. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung, bên cạnh việc thường xuyên rà soát di biến động của các hộ, UBND quận còn phối hợp với các phường hỗ trợ giảm nghèo phù hợp từng đối tượng như: Sửa chữa nhà ở; cho vay vốn sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập; trợ cấp những trường hợp không có khả năng lao động để thoát nghèo...
Dù đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo so với kế hoạch, nhưng qua khảo sát của HĐND thành phố về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 cho thấy, kết quả giảm nghèo tại một số địa bàn xa trung tâm chưa thật sự bền vững. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại một số địa phương chưa thường xuyên, vẫn còn một bộ phận người nghèo được thụ hưởng chính sách còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, không có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Để công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, thực sự bền vững, ngoài sự cố gắng của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng, rất cần sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần rà soát công tác giảm nghèo thường xuyên, liên tục, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.