(HNM) - TP Hà Nội đang cùng lúc chuẩn bị Chương trình
Dự kiến chương trình sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy vào tháng 7 tới, trong khi dự thảo kế hoạch đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Đây là hai nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV, vấn đề chính không phải là những con số mà là cách thức làm thế nào để các con số trở thành hiện thực.
Cần giải pháp sát với thực tế
Cùng với các cơ quan TP, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đang tích cực triển khai xây dựng các chương trình công tác toàn khóa thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Kết quả kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy vừa qua cho thấy, nhiều nơi đã chủ động xây dựng chương trình công tác. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất và cũng là yêu cầu đặt ra của Ban Thường vụ Thành ủy đối với cấp ủy trực thuộc không phải là số lượng chương trình hay thời gian hoàn thành xây dựng chương trình, mà là chương trình đó có tính khả thi hay không, có hiện thực hóa được những chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV đặt ra hay không. Nói cách khác, chương trình công tác phải cụ thể hóa được các giải pháp mà cấp ủy đó có thể thực hiện được để hoàn thành các chỉ tiêu. Muốn vậy, các giải pháp phải phù hợp với năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức của cấp ủy đó, cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất hay bối cảnh chung…
Đòi hỏi ở cấp địa phương như vậy, đối với cấp TP, đòi hỏi càng cao hơn. Hà Nội sau khi mở rộng đã có rất nhiều điều kiện để phát triển với nhiều tiềm năng kinh tế đa dạng nhờ quỹ đất rộng, địa hình đa dạng, văn hóa phong phú, số lượng danh thắng, di tích nhiều… và đặc biệt là vị trí trung tâm Thủ đô chứa rất nhiều giá trị có sức hút to lớn về dân cư, tri thức và đầu tư. Thế nhưng, khả năng khai thác các tiềm năng đó còn rất hạn chế. Sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô vẫn bị đánh giá thấp, nhất là khi so sánh với một số tỉnh, thành phố trong nước. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hằng năm sau khi khảo sát độc lập từ các doanh nghiệp vài năm trở lại đây cho thấy điều đó. Vì vậy, nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả khai thác các tiềm năng là đòi hỏi đặt ra gắt gao đối với TP.
Lâu nay, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thường bị đánh giá thấp về phần giải pháp. Các nhà soạn thảo thường gộp nhóm "các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm" vào một khiến người đọc đôi khi không biết phân biệt đâu là nhiệm vụ, đâu là giải pháp. Chưa kể, nhiều "nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm" còn nặng về hô hào, khẩu hiệu. "Một chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đôi khi giảm khả năng hiện thực hóa đi rất nhiều chỉ vì câu chữ sáo rỗng. Người thực hiện sẽ giảm nhiệt tình thực hiện khi tính trí tuệ của chương trình, kế hoạch không cao" - một chuyên gia nghiên cứu kinh tế từng khuyến cáo.
Và tăng cường kiểm tra, giám sát
TP Hà Nội lâu nay chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Điển hình là việc TP quyết liệt xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị, vi phạm sử dụng và quy hoạch đất đai thời gian qua. Ngoài ra cần phải kể đến việc tăng cường kiểm tra công vụ, tập trung cho cải cách hành chính. Những việc làm như vậy đem lại nhiều hiệu ứng xã hội rất tích cực như nâng cao tính đồng thuận, hỗ trợ, hợp tác của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ của TP, đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, viên chức. Đây là điều kiện để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế chứng minh rằng, mảng công việc nào TP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thì mảng công việc đó được thực hiện tốt, tính hiệu quả cao và ngược lại. Mặt khác, trong những năm qua, không phải TP thiếu các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường hiệu quả công tác, vấn đề nằm ở khả năng và hiệu quả thực thi của một bộ phận cán bộ, viên chức các cơ quan, chính quyền cơ sở. Vì vậy, điều cần thiết để các chương trình, kế hoạch được triển khai tốt là TP cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm thực thi. Điều này cần được coi là một giải pháp cụ thể và bắt buộc trong các chương trình, kế hoạch nói trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.