Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chấm dứt nỗi lo doping...

Ngân Hà| 28/02/2021 06:28

(HNM) - Trong những năm qua, thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều án phạt liên quan đến việc vận động viên sử dụng chất cấm trong tập luyện và thi đấu (doping). Để vấn nạn doping không còn là nỗi ám ảnh, thể thao Việt Nam cần phải có các biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những vận động viên vi phạm, nhất là khi chúng ta đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 được tổ chức vào cuối năm nay.

Ngành Thể thao Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống doping. Trong ảnh: Thi đấu nội dung 400m nữ tại Giải Điền kinh vô địch quốc gia năm 2020. Ảnh: Đăng Huy

Nhiều bài học đau xót

Thể thao Việt Nam đã có nhiều bài học đau xót liên quan đến doping. Trong vòng 17 năm qua, thể thao Việt Nam có 16 vận động viên bị phát hiện dương tính với chất bị cấm, trong đó cử tạ là môn có nhiều vận động viên nhất, khi 6 đô cử bị phát hiện qua những cuộc kiểm tra bắt buộc tại các giải đấu và kiểm tra đột xuất do Liên đoàn Cử tạ thế giới thực hiện. Ngoài cử tạ, các môn thể thao khác của Việt Nam cũng có vận động viên sử dụng doping, gồm: Điền kinh (2 trường hợp), thể hình (2 trường hợp), lặn (2 trường hợp), canoeing (1 trường hợp), boxing (1 trường hợp), thể dục dụng cụ (1 trường hợp) và futsal (1 trường hợp).

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam, trong số các án phạt về doping thời gian qua, có lẽ đau xót và gây tiếc nuối nhất là án phạt doping của Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn. Vận động viên Hoàng Anh Tuấn được xem là con át chủ bài cho mục tiêu tranh chấp huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) vào năm 2010. Thế nhưng, Hoàng Anh Tuấn đã bị phát hiện dương tính với doping tại Giải vô địch Cử tạ thế giới vào tháng 10-2010, tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù chưa xuất quân dự ASIAD 2010, Đoàn thể thao Việt Nam đã phải chịu tổn thất lớn về lực lượng. “Đó là kỳ đại hội đầy khó khăn và phải đến ngày thi đấu cuối, chúng ta mới giành được 1 Huy chương vàng của Lê Bích Phương, võ sĩ môn karatedo”, bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, cử tạ Việt Nam có đến 4 vận động viên dính doping và nhận án phạt rất nặng từ Liên đoàn Cử tạ thế giới. Thế nhưng, theo Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ, thể hình Việt Nam Hoàng Xuân Lương, hạn chế, ngăn ngừa được doping là vấn đề không dễ giải quyết.

Vì một nền thể thao "sạch"

Để khắc phục được vấn nạn sử dụng doping trong hoạt động thể thao, tại Hội nghị Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam cuối tháng 1-2021 mới đây, hàng loạt giải pháp đã được các đại biểu dự hội nghị kiến nghị. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Vương Bích Thắng, phải xử lý nghiêm cả huấn luyện viên và vận động viên vi phạm. Nếu không quy trách nhiệm cho các huấn luyện viên, chỉ xử phạt vận động viên, rất khó giải được bài toán nan giải này. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận liên quan đến việc vận động viên dương tính với doping và phải xây dựng chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ, thể hình Việt Nam Hoàng Xuân Lương đề xuất, ngành Thể thao phải đầu tư để có thể chủ động kiểm tra doping và tự xét nghiệm được, thay vì chỉ lấy mẫu rồi chuyển đi nước ngoài xét nghiệm như hiện nay.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đào Quốc Thắng, để chia sẻ khó khăn về chi phí xét nghiệm doping, từ năm 2021, trung tâm sẽ trích một phần kinh phí để thực hiện xét nghiệm doping cho vận động viên của Thủ đô.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết, trước mắt, khi Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm doping đạt tiêu chuẩn quốc tế, năm 2021, ngành Thể thao sẽ chủ động lấy khoảng 30 mẫu ở một số giải đấu quốc gia có các môn thể thao thi đấu tại các kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic để gửi ra nước ngoài thử doping. Việc lấy mẫu này được thực hiện đột xuất và ngẫu nhiên. Ngoài ra, Trung tâm Doping và Y học thể thao sẽ tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống doping đến các huấn luyện viên, vận động viên tại các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao quốc gia, các địa điểm tập huấn; đồng thời, mở những lớp bồi dưỡng phòng, chống tác hại của doping cho huấn luyện viên, vận động viên. "Trung tâm cũng đang tiến hành xây dựng các quy định, chế tài xử phạt đối với những trường hợp huấn luyện viên, vận động viên vi phạm trong công tác phòng, chống doping", bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, để xử lý tận gốc vấn đề doping, ngành Thể thao sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp, từ việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho các huấn luyện viên, vận động viên đến việc thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm và có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc những tập thể, cá nhân vi phạm…

Với những giải pháp đồng bộ được thực hiện, tin tưởng rằng, ngành Thể thao sẽ chấm dứt được nỗi lo về doping, vì một nền thể thao "sạch".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để chấm dứt nỗi lo doping...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.