(HNM) - Thời gian vừa qua, có nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban phụ huynh) như thu tiền quỹ lớp đầu năm "quá đà" để chi cho các khoản không đúng quy định, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản tăng cường công tác quản lý thu - chi, trong đó đặc biệt chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa ban phụ huynh để thu - chi sai nguyên tắc.
Nhiều cha mẹ học sinh băn khoăn
Ghi nhận ý kiến của các bậc phụ huynh, đa số đều cho rằng nhiều ban phụ huynh đã thu tiền cao một cách vô lý để chi cho các danh mục. Theo chị Nguyễn Thu Hà (quận Hai Bà Trưng), chị vừa đóng tiền quỹ lớp cho con trai lớp 9 với số tiền 1 triệu đồng/học kỳ 1. Điều đáng nói, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban phụ huynh công bố chỉ thu tiền quỹ lớp 100.000 đồng/học sinh và quỹ trường 100.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, do năm cuối cấp các học sinh phải chi nhiều khoản, cùng với các khoản mua bình lọc nước, micro giảng dạy, cây, hoa, chậu cảnh... nên mỗi phụ huynh phải đóng thêm 800.000 đồng cho quỹ lớp, trên tinh thần "tự nguyện".
Tương tự, anh Lê Tuấn Hưng (quận Đống Đa) chia sẻ, mỗi lần họp phụ huynh, ban phụ huynh học sinh thường chỉ xoay quanh các vấn đề thu - chi quỹ lớp, trong đó có rất nhiều khoản chi không đúng quy định nhưng... phụ huynh vẫn phải đóng. Đó là việc xây, sửa, lát gạch sân trường, sơn tường, thay bàn ghế cũ, hỏng… Rồi các khoản từ sửa chữa điều hòa, rèm cửa, máy chiếu, in giấy bài tập đến tiền quà các ngày lễ trong năm đều chi từ quỹ phụ huynh. “Tất cả các khoản chi đã dùng quỹ phụ huynh, vậy ngân sách Nhà nước đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các nhà trường hằng năm được sử dụng vào việc gì?”, anh Hưng đặt câu hỏi.
Còn anh Nguyễn Huy Anh (quận Bắc Từ Liêm) đi họp phụ huynh đầu năm về cũng khá bức xúc vì ban phụ huynh yêu cầu đóng quỹ lớp 1 triệu đồng/học sinh cho học kỳ 1 nhưng khi anh yêu cầu gửi bảng dự toán thu - chi của quỹ lớp thì nhận được trả lời là không được công khai ra bên ngoài (!?).
Một băn khoăn khác mà chị Nguyễn Thiên Kim (quận Cầu Giấy) bày tỏ là vai trò của ban phụ huynh học sinh là quan tâm đến việc học tập của học sinh, phương pháp giáo dục..., tuy nhiên, trong mọi cuộc họp đều xoay quanh vấn đề tiền quỹ lớp, quỹ trường... "Đã đến lúc ban phụ huynh cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, quan tâm, chú trọng các hoạt động giáo dục cho con em mình chứ không chỉ tập trung vào vấn đề tài chính như hiện nay", chị Kim cho biết.
Chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa
Trước thực tế nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban phụ huynh để thu - chi các khoản ngoài quy định.
Sau khi Sở có công văn, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa ban phụ huynh để thu tiền quỹ lớp. Cụ thể, tại quận Nam Từ Liêm, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nguyễn Thị Hương, quận yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, giám sát việc thu - chi quỹ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Đồng thời, yêu cầu trưởng ban phụ huynh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban phụ huynh lớp thống nhất ý kiến.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, quận thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu - chi đầu năm học tại các trường công lập, kịp thời chấn chỉnh tình trạng “lạm thu”, thu các khoản trái quy định. Đặc biệt, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu, khoản thu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học...
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) cho biết, hoạt động của ban phụ huynh là rất cần thiết nhưng phải đại diện cho quyền lợi của phụ huynh học sinh. Việc đầu tư thiết bị, xây sửa cơ sở vật chất trong trường không thể huy động đóng góp của phụ huynh. Hoặc việc chi tiền khen thưởng học sinh cũng không thể sử dụng tùy tiện mà phải theo quy chế chung. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của ban phụ huynh, để họ tuân thủ quy định.
Thực tế, việc lạm thu các khoản tiền đầu năm không phải là vấn đề mới nhưng là “căn bệnh” kinh niên, thường xuyên tái phát. Điều này cho thấy, nếu các cơ quan chức năng không kiên quyết, xử lý tận gốc thì vấn nạn này vẫn tồn tại dai dẳng. Hy vọng với các yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới ban hành, tình trạng lạm thu sẽ được giảm thiểu, các ban phụ huynh hoạt động đúng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.