Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Black Friday trở thành ngày hội mua sắm đúng nghĩa

Tú Minh| 15/11/2020 19:13

(HNNN) - Với sức lan tỏa mạnh mẽ, đến nay Black Friday đã thực sự trở thành “ngày hội mua sắm” của người Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng, nhiều chủ cửa hàng tại Việt Nam đã làm “méo mó” Black Friday khi biến mô hình kích cầu mua sắm này trở thành cơ hội “bán tống bán tháo” hàng tồn, hàng kém chất lượng...

Cảnh đông đúc thường thấy tại các cửa hàng trong ngày Black Friday.

Đón nhận nhiệt tình

Black Friday hay còn gọi là “Ngày thứ sáu đen tối” tuy mới du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây, song đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, tác động mạnh mẽ tới thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ, vốn chưa quen với xu hướng “săn hàng giá rẻ” như ở nhiều nước Tây Âu.

Năm nay, Black Friday 2020 sẽ diễn ra vào thứ sáu ngày 27-11 nhưng ngay từ bây giờ, các nhãn hàng, cửa hiệu trên các con phố lớn đã rục rịch chuẩn bị cho ngày hội mua sắm lớn trong năm này. Hệ thống bán lẻ điện thoại Cellphones mấy ngày nay đã hiển thị đồng hồ đếm ngược trên các trang web bán hàng với lời mời chào hấp dẫn về chương trình khuyến mãi giảm giá các mặt hàng công nghệ cực lớn vào ngày 27-11. Các trang bán hàng trực tuyến như Tiki, Sendo, Shopee cũng không bỏ qua cơ hội khi đã đều đăng tải các chương trình khuyến mãi, các mã giảm giá nhân dịp Black Friday...

Chị Nguyễn Thu Trinh, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thời trang Mullet Boutique (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cho biết, Black Friday có lẽ là ngày bán hàng hiệu quả nhất trong năm, thậm chí hơn cả dịp Tết Nguyên đán. Tuy phải hạ giá sản phẩm nhưng bù lại, lượng khách vào mua rất đông nên doanh thu trong ngày Black Friday vẫn cao. Còn chị Nguyễn Hồng Nhung (phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẳng định, Black Friday là dịp chị có thể mua được nhiều hàng hiệu với giá phải chăng do hầu hết các cửa hàng mang thương hiệu lớn về quần áo thời trang như Nike, Adidas, Zen, Ivy... đều giảm giá các mặt hàng xuống còn một nửa so với ngày thường. Các sản phẩm đồ điện tử, đồ gia dụng... của nhiều nhãn hàng uy tín cũng được chào bán giảm giá và tặng kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi cực “sốc”...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngày mua sắm Black Friday là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tăng cường khai thác thêm thị phần và khách hàng mới, đồng thời cũng là dịp để người tiêu dùng thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận, mua sắm các mặt hàng chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng nhưng với mức giá phù hợp. Đây chính là cách thức để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng mà nhiều nước trên thế giới đang hướng tới và làm theo.

Đặc biệt, điều đáng ghi nhận của Black Friday có lẽ chính là tinh thần cùng hưởng ứng của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ. Dù chưa thực sự tạo được phong trào lớn và rộng khắp trên toàn hệ thống thương mại, song hầu hết các doanh nghiệp đều đã biết tới Black Friday và hằng năm đều chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm hàng hóa, phân công nhân lực, chính sách giá phù hợp... để đón sự kiện này.

Cần chế tài cụ thể

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những lợi ích mà Black Friday mang lại, vẫn còn nhiều trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm do những thông tin có tính dụ dỗ, thổi phồng của người kinh doanh...

Chị Hương Quỳnh (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã tham khảo giá sản phẩm từ trước ngày diễn ra Black Friday và cảm thấy mức giá sau giảm của cửa hàng đưa ra là không hợp lý. Thậm chí một số sản phẩm còn có giá tương tự như khi chưa giảm. Bên cạnh đó, tình trạng đôn giá gốc lên rồi sau đó giảm giá xuống gần với giá gốc cũng xảy ra khá nhiều”.

Đặc biệt, tình trạng trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán trong những ngày “siêu khuyến mãi” cũng không phải là hiếm. Chủ một shop thời trang trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm) tiết lộ: “Mức giảm 70 - 90% chỉ áp dụng cho một số sản phẩm thường là những hàng lưu kho, chất lượng sản phẩm có thể là tốt nhưng không thời trang, một số mẫu khác bị lỗi thiết kế, phai màu, không thể sử dụng được. Thực chất đây là nghệ thuật để thu hút khách hàng. Cửa hàng phải xả hết số hàng đó trước Tết, để thu hồi vốn cho mùa tiếp theo. Hơn nữa, nếu để đến năm sau hàng sẽ bị cũ, mốc không thể bán được”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Ở các nước phương Tây, Black Friday là một ngày khuyến mãi thực sự và đúng nghĩa. Còn tại Việt Nam hiện tượng nâng giá lên rồi hạ xuống để “câu khách” vẫn còn nhiều, chất lượng và sản phẩm khuyến mãi đôi khi không đúng với quảng cáo. Đặc biệt, hiện chưa có một chế tài nào phù hợp và hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng ngày khuyến mãi lớn này nhằm lừa gạt người tiêu dùng. Chính vì thế để Black Friday thực sự trở thành ngày hội của người tiêu dùng, Nhà nước nên hoàn thiện các thể chế để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng nên thành lập các hiệp hội bảo vệ mình, thường xuyên đăng những thông tin minh bạch, công khai và cập nhật những hành vi kinh doanh sai trái để vừa bảo vệ quyền lợi của mình, vừa tạo sức mạnh của người tiêu dùng”.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Black Friday, ngày có những chương trình giảm giá khuyến mãi hấp dẫn nhất trong năm, nếu dự định mua sắm vào thời điểm này, người tiêu dùng nên có kế hoạch rõ cho việc mua sắm, như mua những gì, mua giới hạn số tiền là bao nhiêu. Đặc biệt người tiêu dùng cần kiểm chứng cẩn thận các chiêu khuyến mãi của các nhãn hàng, tìm hiểu kỹ và lựa chọn những cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi thực hiện giao dịch. Nhất là với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều người cho rằng, trong dịp khuyến mãi Black Friday 2020 người tiêu dùng nên sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến... Có như thế, Black Friday mới thực sự là một ngày hội, tạo hiệu ứng kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ, góp phần đưa người tiêu dùng tiếp cận gần hơn tới các thương hiệu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Black Friday trở thành ngày hội mua sắm đúng nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.