Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để bình đẳng thực sự

Gia Linh - Hải Hà| 08/03/2010 06:29

(HNM) - Đằng sau người đàn ông thành đạt thường có một người phụ nữ tận tâm chia sẻ và đảm đương gánh nặng gia đình để chồng yên tâm phấn đấu. Nhưng đằng sau người phụ nữ thành đạt, có mấy chị em dám khoe hậu phương của mình, hoặc là "đôi bạn cùng tiến" hoặc chỉ là khoảng trống ngậm ngùi, thậm chí rất nhiều người khẳng định rằng: Muốn có hạnh phúc, phụ nữ cần phải "đá bóng giỏi trên cả hai sân" công việc và gia đình. Đó là gánh nặng đang đặt ra cho phụ nữ.

Bình đẳng trong suy nghĩ và hành động

Bà Lê Thị Túy, chuyên viên Trung tâm Tuổi trẻ - Hạnh phúc chia sẻ: Mới đây có một người phụ nữ đến xin tư vấn để ly hôn chồng, đi theo một người Thụy Điển. Chị 32 tuổi, hình thức chỉ trên trung bình, làm việc ở văn phòng đại diện của nước ngoài tại Hà Nội, có chồng 40 tuổi, là giám đốc, có con trai học giỏi, ở nhà biệt thự, đi làm bằng ô tô, tiền bạc chẳng thiếu. Nhưng chị luôn cảm thấy mình giống như một con búp bê trong tủ kính lộng lẫy, mòn mỏi chờ chồng trở về sau những cơn say. Trong khi đó, chuyên gia người Thụy Điển kia lại tỏ lòng trân trọng và ngưỡng mộ chị. Ông âm thầm hỗ trợ, tận tình giúp đỡ chị trong công việc, biết lúc nào chị ốm, hiểu vì sao chị buồn. Tình cảm âm thầm nhưng mãnh liệt đó đã khiến chị so sánh với chồng mình và cuối cùng quyết định ly hôn chứ không tự "giam" thân ở nhà đợi chồng ban phát tiền bạc hay tình cảm… Nhưng thật bất ngờ, đến lúc chị dám tháo cũi sổ lồng lại là lúc chồng chị nhận ra mình đi quá giới hạn cần thiết và xin chị thời gian để sửa sai. Sau 6 tháng cố gắng hiểu nhau, cuối cùng họ đã cùng đi đến quyết định xé tờ đơn ly hôn.

PGS-TSKH Lê Thị Thúy, Phó trưởng phòng Khoa học hợp tác quốc tế (Viện Chăn nuôi) là một nhà khoa học nữ xuất sắc được vinh dự nhận giải thưởng Kovalepxkaia trong tháng 3-2010. Ảnh: Thái Bình - TTXVN

"Mỗi ngày tôi càng có thêm nhiều ví dụ sinh động minh chứng cho quan điểm gia đình chỉ hạnh phúc khi có được sự bình đẳng thực chất từ trong suy nghĩ và hành động. Một người phụ nữ hiện đại, thông minh, độc lập sẽ không chịu làm cái bóng mờ nhạt trong gia đình, cũng khó chấp nhận một người chồng gia trưởng, áp đặt, không tôn trọng ý kiến của vợ. Họ cũng chẳng thể vui với người chồng an phận, thiếu ý chí tiến thủ, lười bồi dưỡng tâm hồn mình" - bà Lê Thị Túy khẳng định.

Để "phái yếu" vươn lên

Thế nhưng, điều không vui là số người thuộc "phái yếu" không chấp nhận an phận thủ thường chưa nhiều. Theo nghiên cứu "Bình đẳng giới trên địa bàn Hà Nội" của ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc CDECC - Trung tâm Phát triển cộng đồng và trẻ em, tại một số xã thuộc các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh và hai phường thuộc các quận Thanh Xuân, phụ nữ giữ vai trò thứ yếu trong quyết định công việc gia đình (cùng bàn bạc là 91,7% nhưng chỉ có 6,4% phụ nữ quyết định, 46,7% nam giới quyết định, cùng nhau quyết định là 44,2%). Trong khi đó phụ nữ làm việc nhà gấp 2,7 lần nam giới. Đặc biệt, ở ngoại thành Hà Nội, nam giới tạo thu nhập chủ yếu chiếm 52,4%, phụ nữ là 7% (nội thành là 55% và 6,7%) nhưng phụ nữ cũng thường tự quyết định chi với số tiền dưới 500.000 đồng, số tiền càng cao thì vai trò quyết định càng giảm đi. Nhìn trên bình diện chung, hiện cả nước có khoảng 20% cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ trung ương đến cơ sở. Mặc dù số cán bộ công chức (CBCC) nữ tham gia công tác quản lý nhà nước trong hệ thống chính quyền các cấp nhiều hơn so với trước, nhưng trong các cấp ủy Đảng, số nữ CBCC giữ vị trí trọng trách rất ít. Số nữ CBCC ở vị trí chủ chốt như bí thư, ủy viên thường vụ chỉ khoảng 3-8%.

Bình đẳng là nền tảng của một gia đình hạnh phúc.

Nhận xét về những dữ liệu này, nhà văn Trang Hạ - người có nhiều bài viết sắc sảo về giới, phụ nữ và gia đình thẳng thắn nói: "Việc nhiều phụ nữ được tôn vinh "giỏi việc nước, đảm việc nhà" đôi khi làm khó cho phái yếu. Phụ nữ có 24 tiếng như đàn ông, nếu họ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà có nghĩa họ đang đơn độc giữ gìn gia đình và không có người đàn ông song hành giúp đỡ họ. Đôi khi, những vòng nguyệt quế buộc phụ nữ phải cố gắng, phải hy sinh bản thân nhiều hơn để được ngợi ca".

Thực tế cuộc sống hiện nay ở khu vực thành thị đã chứng minh rằng, khi phụ nữ có điều kiện học hành thì chính họ sẽ biết mở rộng tầm nhìn. Họ cần thấy phải nâng cao năng lực, phải giao thiệp rộng, phải tự chủ hơn để đáp ứng vai trò làm vợ, làm mẹ và công tác xã hội. Với nhóm đối tượng này, việc nhà có thể thay thế bằng máy móc, người giúp việc, nhưng thiên chức của người phụ nữ - việc dành thời gian để chia sẻ, trò chuyện, quan tâm đến chồng con thì không thể bỏ qua. Ví như chị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hà Nội, luôn ao ước một ngày có 48 tiếng để làm thêm nhiều việc mình thích - nhưng vẫn luôn chú tâm đến thời gian ngồi cạnh bàn học với con, trò chuyện với chồng, coi đó là giờ phút "nạp năng lượng" cho bản thân.

Bà Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội:
Cần biết chia sẻ

Để khắc phục tình trạng tỷ lệ lãnh đạo nữ thấp, bản thân mỗi người cán bộ nữ cũng phải tự vươn lên, chứng minh phẩm chất, khả năng, ưu thế của mình. Tuy nhiên, nếu chính những lãnh đạo nam còn có cách nhìn nhận việc nhà là của phụ nữ, còn mình chỉ cần lo việc chuyên môn, là chưa biết chia sẻ. Đáng buồn là tại rất nhiều hội nghị về bình đẳng giới, Hội LHPN Việt Nam mời các vị lãnh đạo là nam giới cùng tham dự để hiểu nỗi vất vả cho nữ giới nhưng ngồi được một lúc là các vị này "chuồn" mất. (Trích ý kiến tại hội thảo "Bàn giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015" do Hội LHPN Hà Nội tổ chức).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để bình đẳng thực sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.