Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “bão dừng sau cánh cửa” mỗi ngôi nhà

Hà An| 27/06/2016 06:26

(HNM) - Ngày 28-6 năm nay đánh dấu 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam. Ấy là lấy dấu mốc theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ “Lấy ngày 28 tháng 6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam”.

Còn thẳm sâu trong mỗi người Việt Nam chúng ta, hai tiếng “gia đình” luôn là chốn bình yên ta hướng tới, và vì nó ta sống, làm việc và yêu thương, ngay cả khi sóng gió đến ngày một nhiều hơn do những biến động của đời sống hiện đại.

Cách đây 15 năm, khi lựa chọn và tôn vinh ngày này, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Như vậy, gia đình không chỉ là câu chuyện riêng tư cá nhân, phía sau cánh cửa mà thực sự là câu chuyện của nuôi dưỡng, bảo vệ những tế bào vì sự lành mạnh của cả xã hội, cũng là vì sự hưng thịnh của quốc gia.

Thực tiễn chiều dài lịch sử đất nước đã cho thấy vai trò đặc biệt của gia đình Việt Nam trong tạo dựng, vun đắp các giá trị văn hóa của dân tộc, nơi hình thành, nuôi dưỡng những nhân cách, nguồn nhân lực chất lượng cống hiến cho xã hội. Nhưng cùng với sự biến động của đất nước, gia đình Việt Nam cũng chịu những tác động dữ dội. Nếu như Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với cuộc vận động đời sống mới đã tạo ra cuộc cách mạng lớn đối với gia đình Việt Nam, công cuộc đổi mới đất nước 30 năm trước cũng mang đến cho những tế bào xã hội ấy những đổi thay mạnh mẽ với nguồn năng lượng về vật chất, tinh thần và cả những thách thức, nguy cơ. Sau 30 năm đổi mới, sự vận động này càng thể hiện rõ qua những biến đổi trên toàn bộ các mặt như cấu trúc, các chức năng gia đình gồm duy trì nòi giống, giáo dục, kinh tế, văn hóa…

Thay cho “tứ đại đồng đường”, gia đình hạt nhân (vợ chồng và các con), gia đình đơn thân (chỉ có bố hoặc mẹ)…trở thành phổ biến. Thậm chí không chỉ có gia đình thuần Việt mà ngày càng có nhiều hơn gia đình “Liên hợp quốc”, bố mẹ đến từ hai quốc gia, hai nền văn hóa khác nhau…

Cũng phải kể đến một dấu hiệu khác là tình trạng ly hôn gia tăng, riêng ở Hà Nội, mỗi năm số vụ ly hôn tăng từ 5% đến 10%. Trong đó “ly hôn xanh” (đường ai nấy đi khi thời gian mặn nồng sau hôn nhân quá chóng vánh) có xu hướng phổ biến. Tất nhiên, các vụ ly hôn không hoàn toàn phản ánh sự thất bại hay đổ vỡ. Và ngược lại, cũng không phải các gia đình đang duy trì hôn nhân đều “sóng yên biển lặng”. Những thách thức của cơm áo gạo tiền, những xao động ngoài chồng, ngoài vợ, những xa cách thế hệ giữa con với cha mẹ, cháu chắt với ông bà ngày một đa chiều, đa sắc. Một phần là do cơn bão của đời sống trọng vật chất, phần khác cũng phản ánh nhu cầu, sự tất yếu của cuộc cách mạng giải phóng cá nhân, và bên cạnh đó còn là do việc chạy theo lối sống "cá nhân chủ nghĩa", những giá trị ngoại lai vốn không sinh ra từ mình, không thuộc về mình…

Bất luận từ lý do nào, những biến động sau mỗi ngôi nhà của người Việt cũng đã tác động dữ dội lên cộng đồng nhỏ xung quanh mỗi người và tác động lên toàn xã hội. Tội phạm vị thành niên tăng, trong đó các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trách nhiệm không thể chối cãi của gia đình. Trong đó, có cả gia đình đủ bố mẹ lẫn gia đình đơn thân, rồi cả gia đình khó khăn lẫn gia đình giàu có… Khi tổ ấm không còn "lửa", sự trỗi dậy của mỗi cá nhân trở nên nhọc nhằn hơn, dễ lạc lối hơn và trên hành trình sống khắc khoải đó, không ít giá trị tốt đẹp mà gia đình Việt đã hình thành, gìn giữ được như yêu thương, sẻ chia, trách nhiệm… đã rơi rụng dần.

Sự vận động của xã hội có thể nói là tất yếu và gia đình Việt Nam cũng như những tế bào xã hội khác trên khắp thế giới đều không thể nằm ngoài cuộc vận động chung ấy. Làm thế nào để hòa nhịp phát triển chung mà vẫn duy trì được sự lành mạnh của mỗi tổ ấm gia đình? Hay nói cách khác, làm thế nào để củng cố sức mạnh của gia đình góp phần củng cố sức mạnh mềm của quốc gia - chính là văn hóa của dân tộc?

Tất nhiên, không thể cứ ôm khư khư những quan niệm, lối sống cũ đã không còn phù hợp, nhưng cũng không thể vội vàng học đòi những biểu hiện hình thức của các giá trị phương Tây. Là bởi, hơn chục năm trở lại đây các nhà xã hội học đã chứng minh có sự trở lại của các giá trị phương Đông ngay ở các quốc gia vốn được xem là xứ sở của tự do cá nhân. Đặc biệt, bản thân các quốc gia phương Tây và nhiều nơi khác trên thế giới cũng không ngừng xây dựng, bồi đắp các giá trị nhằm duy trì cấu trúc, chức năng gia đình… với mục tiêu duy trì sự ổn định của xã hội. Một người Mỹ - TS Phil McGraw đã xuất bản cuốn “Gia đình trên hết” đề cập một cách chi tiết và cũng bao quát về các mô hình gia đình cũng như giáo dục gia đình hiện đại. Cuốn sách từng thuộc hàng bestseller (bán chạy nhất) do Tờ New York Times bình chọn (xuất bản ở Việt Nam năm 2006).

Qua đây thấy rõ, bản thân các gia đình và xã hội phải nhìn nhận những biến động của mỗi tế bào xã hội như một xu hướng tất yếu. Và việc cần làm là chuẩn bị cả tâm thế, kiến thức để “khống chế khủng hoảng, từng bước tạo dựng một gia đình hoàn hảo” như vị TS người Mỹ đã viết.

Trong hoàn cảnh, môi trường văn hóa cụ thể của chúng ta, một việc hết sức quan trọng để củng cố các tế bào xã hội là khơi dậy sức mạnh mỗi thành viên trong tổng thể sức mạnh văn hóa của gia đình. Với toàn xã hội là việc triển khai Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong các mục tiêu cụ thể của nghị quyết trên, yếu tố gia đình nhiều lần được nhắc đến như “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo (…); đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Và “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”…

Gia đình không phải là câu chuyện riêng tư mà là câu chuyện có tác động trực tiếp tới sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và ngược lại, việc bồi đắp cho nhân cách người Việt Nam hiện đại đủ sức đứng vững và đi lên trước thử thách mới cũng không nằm ngoài mục tiêu vun đắp cho chốn bình yên của mỗi con người. Tất cả đòi hỏi ý thức, sự nỗ lực và tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình, dù là gia đình nhỏ hay gia đình lớn.

Làm sao trong hành trình vốn đã nhọc nhằn của cuộc sống, ai cũng có thể trở về và đứng trước một ngôi nhà “bão dừng sau cánh cửa” như một nhà thơ đã viết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để “bão dừng sau cánh cửa” mỗi ngôi nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.