Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh: Để không tái diễn những nỗi đau!

Tuấn Lương| 26/01/2015 06:49

(HNM) - Vượt qua rất nhiều khó khăn, đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh cho bà con vùng sâu, vùng xa đang được Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt.

Đến nay, một số cầu treo đã hoàn thành, 86 cây cầu khác đang được thi công và toàn bộ kế hoạch này sẽ hoàn thành trước mùa lũ năm 2015. Với sự góp sức chung tay của cả cộng đồng, hy vọng những nỗi đau mang tên Chu Va, Sam Lang sẽ không bao giờ tái diễn.

Cầu treo Sam Lang (tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Xuân Nhượng


Vượt khó để xây cầu

Thời gian qua, lần lượt những cây cầu treo Sam Lang (tỉnh Điện Biên), Nam Công (tỉnh Hà Nam), Bản Diềm (Nghệ An) đã được đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân địa phương. Cùng với vơi bớt nỗi lo mất an toàn trong mùa bão lũ, quan trọng hơn, những cây cầu mới sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu, vùng xa. Đến thời điểm này, đã có khoảng 120 cầu treo thuộc đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ở những địa bàn đặc biệt khó khăn tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên được triển khai xây dựng. Bộ GTVT đang tích cực đôn đốc, chỉ đạo để trước Tết Nguyên đán 2015 này sẽ hoàn thành 86 cây cầu đầu tiên. Nhưng, để có được tiến độ như vậy, Bộ GTVT, Ban QLDA và các nhà thầu đã phải rất vất vả.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do lần đầu tiên thực hiện một đề án xây dựng cầu treo với quy mô lớn nên quá trình triển khai, thiết kế, thi công cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là thiết kế mẫu cầu treo theo quy chuẩn (lần đầu tiên ở Việt Nam) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chi tiết và thi công các cầu. Tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Việc khảo sát thiết kế và triển khai thi công phải thực hiện trên địa bàn rất rộng, phân tán, chủ yếu là địa bàn miền núi xa xôi, khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Bên cạnh đó, một số vị trí cầu khi khảo sát thấy không phù hợp với tiêu chí xây dựng cầu treo buộc phải thay đổi. Chủ đầu tư đã mất nhiều thời gian cho việc rà soát lại toàn bộ 186 vị trí xây dựng cầu để có điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, với mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất, việc xây dựng các cầu treo dân sinh đang được các chủ đầu tư và các nhà thầu thiết kế, thi công đẩy nhanh thực hiện để bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Cùng chung tay, góp sức

Đại diện chủ đầu tư và một số nhà thầu thi công khẳng định quyết tâm hoàn thành các dự án cầu treo trước mùa mưa lũ 2015 để người dân đi lại được an toàn. Thời gian tới sẽ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác GPMB, làm đường vận chuyển. Hiện nay, hầu hết địa điểm xây cầu đều không có đường ô tô nên việc tìm phương tiện để đưa trang thiết bị vào làm cầu rất khó khăn. Nếu đủ các yếu tố về thiết kế, mặt bằng, thủ tục đầu tư thì chỉ mất tối đa hai tháng sẽ làm xong một cây cầu.

Đại diện Ban QLDA3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đến nay tham gia xây dựng cầu treo dân sinh đã có 35 nhà thầu thi công. Mỗi ngày lại đang có thêm những cây cầu treo mới được hoàn thành, trong đó Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung là một trong những đơn vị thi công dẫn đầu với số lượng cầu đã cơ bản hoàn thành là 6 cầu. Với mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu công tác quản lý, điều hành và thi công xây dựng cầu treo phải bảo đảm khách quan, minh bạch và thật khẩn trương. Những khó khăn đã lần lượt được tháo gỡ nhằm hoàn thành toàn bộ 186 cầu treo dân sinh trước thời điểm ngày 30-6-2015 theo kế hoạch đề ra.

Ngày 17-1, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT đã phát động chương trình "Nhịp cầu yêu thương" kêu gọi các DN, xã hội chung tay xây dựng cầu treo dân sinh cho người dân tại miền núi, các vùng sâu, vùng xa. Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: Chứng kiến những hình ảnh ghi lại cảnh các thầy cô, học sinh và người dân nhiều nơi bất chấp hiểm nguy vượt sông, suối trong mùa mưa lũ bằng việc chui vào túi ni lon, đu dây hay đi trên những chiếc cầu, bè mảng tạm bợ, chắc chắn không ai trong chúng ta có thể yên lòng. Tôi kêu gọi các DN cũng như mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với khả năng của mình, hãy tham gia ủng hộ chương trình. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết ngày 21-1 đã có hơn 380 tỷ đồng và 8 cây cầu được các DN, nhà hảo tâm cùng chung tay góp quỹ xây cầu cho bà con vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh: Để không tái diễn những nỗi đau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.